Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) ngày 25/10, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng tình hình hiện nay tại vùng Đông Bắc Syria là khá mong manh, không bền vững và kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp dài hạn.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã ủng hộ ý tưởng thành lập một vùng an toàn quốc tế tại khu vực biên giới Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan đến đề xuất này, giới chuyên gia Đức nhận định Berlin có thể cử tới 2.500 quân tới khu vực nếu được thành lập.
[Khoảng 300 quân cảnh bổ sung của Nga đã tới Syria trợ giúp người Kurd]
Lực lượng có thể bao gồm lính trinh sát, kỹ sư quân sự, đặc nhiệm, chuyên gia phá mìn, các xe thiết giáp đa năng, vũ khí hạng nặng, xe bánh xích...
Bình luận về đề nghị của Đức mở một chiến dịch bảo vệ hòa bình quốc tế tại Đông Bắc Syria, tại cuộc họp Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Mỹ ủng hộ sáng kiến của các nước châu Âu là thành viên NATO về một phái bộ này.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Washington không tính đến khả năng đưa lực lượng bộ binh tham gia một phái bộ quốc tế tại vùng Đông Bắc Syria.
Ngoài ra, quan chức Lầu Năm Góc nêu rõ Mỹ dự định sẽ tăng cường lực lượng bộ binh cơ giới hóa của mình tới tỉnh Deir-al-zor của Syria để bảo vệ các mỏ dầu trước các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bộ trưởng Esper nhấn mạnh: "Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện hạn chế ở Syria để ngăn IS tiếp cận kho dự trữ dầu mỏ."
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ không loại trừ lực lượng tăng cường bảo vệ các mỏ dầu sẽ được điều động từ lực lượng rút khỏi miền Đông Bắc Syria. Ông cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt được khoảng 100 tay súng IS trốn chạy./.