NATO lộ nhiều điểm yếu nhìn từ "khủng hoảng" Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Còn chưa hết hoảng hồn trước cách hành xử "cố ý chọc ngoáy" của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7, NATO lại đối mặt sự rạn nứt đầy rủi ro trong mối quan hệ giữa hai thành viên Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO lộ nhiều điểm yếu nhìn từ "khủng hoảng" Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 11/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Bloomberg, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trải qua một mùa Hè không êm ả. Chưa hết hoảng hồn trước cách hành xử cố ý chọc ngoáy liên minh này tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Bảy vừa qua, NATO lại phải hứng chịu sự rạn nứt đầy rủi ro trong mối quan hệ giữa hai thành viên chủ chốt là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất đồng ban đầu liên quan đến số phận của mục sư người Mỹ Andrew Brunson, hiện đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ với các cáo trạng hậu thuẫn âm mưu đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016.

Mâu thuẫn gia tăng khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara, gia tăng đe dọa và đáp trả cùng với đồn đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả đũa Mỹ bằng cách “làm thân” với Nga.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ thì có thể thấy mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ở vấn đề bề nổi hiện nay liên quan đến mục sư Brunson, mà còn vì nhiều vấn đề khác.

Tương tự, những vấn đề mà NATO phải đối mặt hiện nay không chỉ dừng lại ở những thách thức mà một vị Tổng thống Mỹ không muốn hợp tác liên Đại Tây Dương gây ra.

Thực tế, NATO đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về mặt cấu trúc ở quy mô lớn hơn. Trump không gây ra những vấn đề này, song ông lại không giúp để giải quyết chúng dễ dàng hơn.

Trở lại những vấn đề sâu xa trong mối quan hệ Mỹ-Thổ, hai bên đã tồn tại những bất đồng ngay từ trước khi Trump lên nắm quyền: Chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ chủ yếu dựa vào lực lượng người Kurd ở Syria mà Ankara coi là kẻ thù; Erdogan ngày càng thâu tóm quyền lực theo chủ nghĩa độc tài và tinh thần chống Mỹ; quyết định của Ankara mua hệ thống phòng không của Nga; và Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Mỹ đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Tất cả những điều này đẩy bất đồng giữa hai nước lên đến khủng hoảng, cho dù ai là ông chủ Nhà Trắng chăng nữa.

Tương tự với những vấn đề nội tại của NATO. Chắc chắn là Trump đã làm gia tăng sự bất tin và bất hòa trong mối quan hệ hai bờ, nhất là khi xem thường nền tảng hình thành NATO khi nói rằng Mỹ và các đồng minh có thể cùng nhau thúc đẩy tốt hơn an ninh và thịnh vượng.

[Có phải quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Thổ đang sụp đổ?]

Tuy nhiên, một trong những lý do giải thích cho cách hành xử gây xáo trộn liên minh của Trump là vì liên minh quân sự này đang trải qua một số căng thẳng gia tăng.

Trước hết phải đề cập đến căng thẳng trong vấn đề chia sẻ gánh nặng như Trump từng nêu. Trump đã sai khi cho rằng các đồng minh chỉ “bòn rút” sự giàu có và tiềm lực của Mỹ.

Và sẽ hết sức nguy hiểm nếu châu Âu quay trở về tình trạng mà trong đó các cuộc chạy đua vũ trang và cạnh tranh an ninh diễn ra ngoài tầm kiểm soát.

Thế nhưng, chắc chắn là có điều gì đó không đúng ở đây khi 3 nước giàu nhất thế giới - là Pháp, Đức và Anh - phải chung sức vật lộn để triển khai và duy trì một lữ đoàn trong trường hợp Nga tấn công các quốc gia Baltic.

Sau Chiến tranh Lạnh, có quá nhiều nước thành viên NATO nhất quyết không chịu đóng góp cho chi tiêu quốc phòng của khối.

Thế nên, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã có lần “nhắc khéo” họ về mục đích và vai trò của sức mạnh quân sự. Nhưng cần nhìn nhận thực tế rằng liên minh này đang tự “ru mình trong giấc ngủ ngàn thu”và trượt dài phía sau kể từ thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Thứ hai, ngay cả trước khi Trump đắc cử, NATO vẫn đang ở trong giai đoạn bị thử thách bởi sự chuyển dịch mối đe dọa về địa lý. Trong thời Chiến tranh Lạnh, một Liên bang Xô Viêt quyết đoán là vấn đề đối với tất cả các nước.

Ngày nay, NATO đã mở rộng lực lượng quân sự và mối đe dọa quân sự của Nga lại tập trung nhiều hơn vào Đông Âu, vì vậy, mối đe dọa bao trùm châu Âu trở nên mờ nhạt.

NATO lộ nhiều điểm yếu nhìn từ "khủng hoảng" Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước ở bờ Đông vẫn coi Nga là mối đe dọa hiện hữu, song các nước ở phía Nam của NATO lại lo sợ khủng bố và làn sóng người di cư hơn.

Mặc dù các nước phía Nam lo ngại nguy cơ bị Nga can thiệp bầu cử và chiến tranh thông tin, nhưng họ lại thường không ủng hộ trừng phạt kinh tế cũng như các biện pháp cứng rắn khác đối với Moskva.

Thứ ba, quan hệ giữa Mỹ và NATO đang bị thử thách bởi một thực tế là ngay cả khi Nga tỏ thái độ quyết đoán ở cấp độ lớn hơn, liên minh này cũng không còn đóng vai trò trung tâm đối với các vấn đề toàn cầu hoặc trong chiến lược của Mỹ như trước đây.

Tỷ trọng mà châu Âu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chi tiêu quân sự đã giảm dần so với tỷ trọng đóng góp của châu Á.

Trong khi đó, Washington hiện coi mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với an ninh và tầm ảnh hưởng của Mỹ không phải ở châu Âu mà là ở phía bên kia của thế giới.

Hơn thế, các đồng minh NATO của Mỹ lại không ở vị trí có thể giúp Washington đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc theo cách mà họ đã từng giúp Mỹ đối phó với Nga thời Chiến tranh Lạnh hoặc với những mối đe dọa thời hậu Chiến tranh Lạnh ở Trung Đông. Sự hạn chế này đã không tránh khỏi bị Trump phê phán liên minh này đã “lỗi thời.” 

Thứ tư, NATO đang bị chỉ trích do tình trạng bất ổn chính trị trầm trọng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Từ Washington và London đến Paris và Rome, các đảng chính trị và chính khách lâu đời đều phải “nhường sân” cho các đảng dân túy.

Sự bất ổn này đang làm suy yếu NATO ở một số khía cạnh. Ví dụ, một nước Anh có xu hướng lo cho bản thân mình với quá trình Brexit hiện nay sẽ không còn hữu ích nhiều so với một đất nước tự tin và hướng ra bên ngoài.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trong phạm vi NATO cũng đang kiểm nghiệm một mệnh đề rằng liệu liên minh này gắn kết với nhau không chỉ bởi các lợi ích địa chính trị chung mà còn bởi các giá trị chính trị chung hay không.

NATO lộ nhiều điểm yếu nhìn từ "khủng hoảng" Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuối cùng, nếu việc Trump rời bỏ nhiều đồng minh châu Âu gây quan ngại sâu sắc về các chính sách của Mỹ thì những quan ngại này thực tế đã được định hình từ trước khi Trump bước chân vào Nhà Trắng.

Trong những năm George W. Bush cầm quyền, nhiều nước châu Âu đã choáng váng bởi cái mà họ cho là các chính sách của Mỹ gây bất ổn, thực hiện đơn phương và gây hủy hoại hòa bình và ổn định, nhất là cuộc xâm lược Iraq.

Đến thời Chính quyền Obama, nhiều học giả chuộng hợp tác hai bờ ở châu Âu đã bày tỏ lo lắng về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu.

Minh chứng là Obama từ chối sử dụng vũ lực đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm đáp lại các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đối với dân thường Syria.

Nếu Trump khiến giới quan sát ở châu Âu lo lắng thì đó là vì ông kết hợp cả chủ nghĩa đơn phương của mình và sự khiêm tốn chiến lược của Bush và Obama mà họ không ưa gì.

Mặc dù vậy, không thể nói rằng những lý do trên cho thấy NATO sẽ thất bại. Liên minh này đáng lẽẽ sẽ không thể tồn tại trong gần 70 năm qua nếu nó không tiến hành cải tổ sâu rộng và vẫn duy trì tính bền bỉ của mình.

NATO vẫn là một liên minh địa chính trị hùng mạnh nhất trên thế giới. Và vẫn còn nhiều vấn đề cần đến sự hợp tác của mối quan hệ hai bờ: như kiềm chế Nga, giải quyết bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, đối phó với sự "cưỡng bức" về kinh tế của Trung Quốc cũng như nhiều vấn đề khác.

Đó là lý do vì sao những học giả ủng hộ hợp tác quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở Mỹ và châu Âu lại không ngừng nỗ lực để duy trì và tăng cường sức mạnh của NATO và ở đây, vai trò của Trump trong nỗ lực này lại là vấn đề đáng bàn.

Trong bối cảnh phải đối phó với những thách thức to lớn hiện nay, NATO cần sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ từ các thành viên chủ chốt của liên minh, nhất là Mỹ, để bảo vệ những giá trị và lợi ích của NATO cũng như không gây chia rẽ liên minh. Thế nhưng, Trump lại không hề quan tâm đến vai trò này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.