NATO quyết định thành lập một phái bộ để hỗ trợ Ukraine

Việc NATO thành lập phái bộ tại Ukraine nhằm tận dụng khả năng điều phối, huấn luyện và lên kế hoạch của NATO để hỗ trợ Ukraine theo cách tốt hơn.

Các binh sỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan ngày 4/3. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Các binh sỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan ngày 4/3. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) sẽ thành lập một phái bộ để hỗ trợ Ukraine.

Trên đây là thông báo của Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski sau cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ).

Bộ Ngoại giao Ba Lan dẫn nội dung đăng tải của ông Sikorski trên mạng xã hội X nêu rõ: "Chúng tôi quyết định thành lập một phái bộ NATO (ở Ukraine). Điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ tham gia xung đột, mà là chúng tôi có thể tận dụng khả năng điều phối, huấn luyện và lên kế hoạch của NATO để hỗ trợ (Ukraine) theo cách tốt hơn."

Trước cuộc họp ở Brussels, Ngoại trưởng Ba Lan đã thông báo kế hoạch thành lập một phái bộ như vậy. Ông lưu ý phái bộ này sẽ không tham gia xung đột hiện nay ở Ukraine.

Phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng NATO, Tổng Thư ký tổ chức này, ông Jens Stoltenberg, cũng tuyên bố NATO "không phải một bên xung đột và sẽ không trở thành một bên xung đột."

NATO sẽ chỉ hỗ trợ Ukraine và tổ chức này không có kế hoạch cử binh sỹ đến Ukraine và Kiev cũng chưa đưa ra yêu cầu như vậy.

Trước đó, ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết khoảng 20 nước phương Tây tham gia cuộc họp mới đây ở thủ đô Paris về việc tiếp tục hỗ trợ Kiev đã thảo luận khả năng cử binh sỹ đến Ukraine.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, các nước phương Tây đã không đạt được đồng thuận về vấn đề trên, song không loại trừ khả năng này trong tương lai.

Sau cuộc họp, phần lớn các nước tham gia, trong đó có Ba Lan tuyên bố không có kế hoạch phái binh sỹ đến Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.