NATO sẽ chính thức mời Montenegro gia nhập liên minh quân sự

Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/12 sẽ chính thức mời Montenegro – một quốc gia vùng Balkan - gia nhập liên minh quân sự này.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. (Nguồn: THX/TTXVN)

AFP đưa tin, các nguồn tin ngoại giao cho biết Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/12 sẽ chính thức mời Montenegro – một quốc gia vùng Balkan - gia nhập liên minh quân sự này.

Theo các nguồn tin ngoại giao giấu tên, quyết định mở rộng liên minh quân sự NATO với việc đề nghị Montenegro là thành viên mới sẽ chính thức được đưa ra sau cuộc họp của 28 Ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Brussels, Bỉ - diễn ra trong hai ngày 30/11 và 1/12.

Nguồn tin cho biết, các văn bản đề xuất đã được phê duyệt ở cấp đại sứ tại NATO.

Sau khi nhận được lời mời, Montenegro cần trải qua quá trình xem xét kéo dài một năm rưỡi để được trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.

Trước thông tin trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông không thể xác nhận bởi vì điều đó phụ thuộc vào sự đồng thuận của tất cả các Ngoại trưởng NATO. Tuy nhiên, ông Stoltenberg bày tỏ lạc quan rằng khả năng này là rất cao khi nhấn mạnh Montenegro đã đi một chặng đường dài để đạt tiêu chí trở thành thành viên NATO.

Ông cũng cho biết, việc đưa ra quyết định mời Montenegro bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập NATO là một quyết định lịch sử, thể hiện NATO đã và đang tiếp tục thực hiện những cam kết của mình với các quốc gia vùng Balkan.

Tuy nhiên, quyết định này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga, trong bối cảnh thời gian qua, mối quan hệ giữa hai bên hết sức ảm đạm.

Trong khi đó, Montenegro và Serbia hiện là hai nước láng giềng của Nga ở Tây Balkan và có quan hệ lợi ích lâu năm với Moskva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.