Những người leo núi một mình cũng như một số đối tượng khuyết tật sẽ không còn có cơ hội chinh phục đỉnh Everest cũng như các ngọn núi của Nepal sau khi chính phủ nước này vừa ban hành một loạt lệnh cấm nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn leo núi.
Ngày 30/12, giới chức Nepal cho biết chính phủ đã thông qua một điều khoản sửa đổi đối với quy định leo núi của nước này, theo đó cấm những người leo núi một mình thám hiểm các ngọn núi của Nepal.
Một quan chức Bộ Văn hóa, du lịch và hàng không dân sự Nepal cho biết quy định sửa đổi này nhằm giúp hoạt động leo núi an toàn hơn, giảm thiểu các vụ tai nạn gây thương vong đáng tiếc. Ngoài ra, Chính phủ Nepal cũng sẽ áp dụng lệnh cấm đối với những người khuyết tật ảnh hưởng tới chức năng vận động và khiếm thị leo núi.
Lệnh cấm ngay lập tức gây tranh cãi sau khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối cho rằng đây là hành động phân biệt.
[Sáu người thiệt mạng khi chinh phục núi Everest trong tháng qua]
Trong nhiều năm qua, đỉnh Everest đã thu hút vô số người leo núi khuyết tật mong muốn vượt qua chính mình và chinh phục "mái nhà chung của thế giới." Mark Inglis, người New Zealand, đã trở thành người khuyết chân đầu tiên đến được đỉnh cao 8.848m vào năm 2006.
Trước đó, vào tháng 5/2001, Erik Weihenmayer người Mỹ là người khiếm thị đầu tiên chinh phục được đỉnh núi cao nhất 7 lục địa này.
Mùa Xuân và mùa Thu mỗi năm, Nepal đón hàng nghìn lượt người đam mê bộ môn leo núi mạo hiểm đổ về đây, "ngôi nhà" của 8 trong tổng số 14 ngọn núi cao trên 8.000m của thế giới.
Trong năm 2016, có khoảng 450 người, bao gồm 190 người nước ngoài và 259 người Nepal, đã thực hiện được giấc mơ chinh phục Everest.
Tuy nhiên, cũng có những tai nạn đáng tiếc như trường hợp của Ueli Steck. Vận động viên leo núi kỳ cựu người Thụy Sĩ này đã mất mạng vào tháng 4 do trượt chân ngã từ một rìa núi dốc đứng khi đang một mình tìm cách chinh phục đỉnh Nuptse, ngọn núi "láng giềng" của Everest./.