Đó là khẳng định của công dân Nga Yuri Alimov, một kỹ sư điện tử trong ngành vũ trụ từng nhiều năm tham gia chương trình xây dựng “lá chắn hạt nhân” của Liên bang các nước Xô viết trước đây.
Đã từng có dịp phỏng vấn một số nhân vật như Thủ tướng Hàn Quốc Lee Han Dong, ngoại trưởng Italy, Massimo D’Alema (thời thủ tướng Romano Prodi), hay Tổng Bí thư Đảng lao động Mexico Alberto Ayala và người bạn thiếu thời của Che Guevara, Calica Ferrer, nhưng chưa lần nào tôi có nhiều thời gian để nói chuyện về các loại đề tài thú vị như lần này.
Cuộc phỏng vấn diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, như một cuộc nói chuyện giữa hai người bạn trong một ngôi nhà sực mùi gỗ thông và có luống hoa trong vườn mang hình chữ S, ở làng Lamnovo, nằm cách trung tâm thủ đô Moskva hơn 100 km.
Ông chủ của ngôi nhà là Yuri Alimov, 74 tuổi, kỹ sư xây dựng và điện tử vũ trụ, chồng của chị Liên, một người phụ nữ Việt Nam sống ở nước Nga từ nhiều năm nay.
Phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó và rất chiều chồng
- Vì anh có vợ là người Việt Nam nên chúng ta bắt đầu câu chuyện về phụ nữ Việt Nam nhé.
Yuri Alimov: Phụ nữ Việt Nam rất đẹp, không béo khi có tuổi. Nhưng cái tôi thích nhất ở vợ tôi là sự chịu thương, chịu khó, đức tính hy sinh và chiều chồng hết mực. Vợ chồng chúng tôi không bao giờ cãi nhau vì vợ tôi biết nhường nhịn.
Tôi thấy phụ nữ Việt Nam rất gắn bó với gia đình, chồng con, bố mẹ, họ hàng, rất khác với phụ nữ châu Âu nói chung. Phụ nữ Việt Nam cũng hay lam, hay làm, chả lúc nào chịu nghỉ ngơi, cả những ngày nghỉ cuối tuần ở nhà của mình. Chuyện bếp núc lại giỏi nữa. Đấy anh xem, từ lúc chúng ta tới nhà đến giờ, cô ấy có nghỉ tay lúc nào đâu.
(Thấy chúng tôi nói chuyện rôm rả, chị Liên đang nhóm than ở ngoài cửa hồ hởi tham gia)
Lần đầu tiên khi thấy tôi đốt than nướng thịt, mấy bà láng giềng cứ tròn mắt ngạc nhiên vì ở Nga nướng thịt là công việc của đàn ông. Hôm sau, họ thấy tôi leo nên nóc nhà kho cất dụng cụ làm vườn để sơn thì họ càng “mắt tròn, mắt dẹt”. Bây giờ thì họ đã quá quen với cảnh tôi cuốc đất trồng rau, tưới cây, tỉa cảnh, nướng thịt, nên chả ai còn để ý đến nữa.
Sau khi nói xong, chị Liên quay quả trở lại với công việc để tôi và Yuri tiếp tục câu chuyện.
- Yuri, anh thấy gì qua những lần về thăm quê vợ trong những năm gần đây?
Yuri Alimov: Tôi biết đến Việt Nam từ thời sinh viên và đã từng tham gia vào các hoạt động phản đối chiến tranh của Mỹ. Sau đó do đặc thù công việc cần sự bí mật, tôi chỉ tập trung vào chuyên môn của mình.
Sau khi nghỉ hưu, chỉ từ năm 2010 đến nay tôi đã về Việt Nam tới 5 lần (2010, 2011, 2013, 2015, 2017) và mỗi lần tôi đều thấy sự đổi khác. Tôi đã có dịp đi ôtô dọc đất nước, đã thăm vịnh Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh và thấy thiên nhiên ở đây thật đẹp, với rất nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Hệ thống đường sá trong những năm qua được cải thiện rõ rệt.
Năm 2010 đi tàu lửa, tôi vẫn còn sợ và có cảm giác không an toàn, nhưng năm 2017 vừa qua, đi từ Nha Trang vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy khác hẳn. Tàu sạch sẽ, giường chiếu gọn gàng, các nhân viên phục vụ rất chu đáo. Sự thay đổi của Việt Nam bằng mắt thường cũng có thể thấy được.
Thấy cuộc phỏng vấn đã “vào luồng,” tôi chuyển sang một đề tài khác mà tôi muốn tìm hiểu từ lâu: sự suy nghĩ của người dân Nga về sự sụp đổ của Liên Xô cũ và về nước Nga ngày nay.
Liên Xô tan rã làm đổ vỡ nhiều mối quan hệ
- Yuri, anh nghĩ thế nào về sự sụp đổ của Liên Xô cũ?
Yuri Alimov: Tổng thống Putin có nói “không thể phủ nhận những thành của ĐCS Liên Xô, nhưng chính những người lãnh đạo đảng này cũng là những người làm tan rã Liên bang các nước Cộng hòa Xô viết.” Tôi đồng ý với ông ấy. Sự tan vỡ của Liên Xô thực sự là một thảm họa. Không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc thăm dò tiến hành vào những năm tháng bi thảm đó, có tới 90% người dân muốn giữ Liên Xô cũ. Vì vậy mới có chủ trương thành lập Liên minh các nước độc lập gồm 15 nước cộng hòa cũ.
Với sự tan rã của Liên Xô, đùng một cái nhiều triệu người Nga ở Grudia, Belarus và các nước cộng hòa khác bỗng nhiên không còn là các công dân Nga nữa. Các mối quan hệ gia đình máu mủ bị phá hoại nghiêm trọng.
Nói đến đây, đôi mắt của Yuri nhìn vào xa xăm, giọng anh trầm hẳn xuống.
Liên Xô sụp đổ là một thời kỳ quá kinh khủng. Lương thực, thực phẩm khan hiếm nghiêm trọng. Đến quân đội cũng hàng tháng không được cấp lương, chứ chưa nói đến người lao động và người về hưu. Nền công nghiệp tan vỡ, hàng loạt nhà máy đóng cửa. Tình trạng vô chính phủ và tội phạm ngày càng tăng. Người dân phải kiếm cớ sinh nhai bằng cách ra đường làm đủ mọi công việc và hiện tượng ăn cắp tràn lan. Thậm chí trong ngành vũ trụ cũng có người lấy cắp các thiết bị điện tử đem ra chợ bán hoặc tách bạc, vàng. Thời kỳ hỗn loạn kéo dài tới năm 1998, sau đó mới dần dân được khắc phục.
- Sự hồi phục diễn ra như thế nào?
Yuri Alimov: Sau khi Tổng thống Putin lên cầm quyền thì nước Nga bắt đầu có sự phục hồi. Đầu tiên ông ấy lập lại trật tự công quyền, trước hết trong các ngành quân đội và công an. Putin chấm dứt hẳn tình trạng hai ngành này trước đây công khai lấy tiền của nhân dân.
Tiến bộ lớn nhất có thể thấy trong lĩnh vực y tế. Các bệnh viện và phòng khám được trang bị lại và nâng cấp. Giáo dục cũng có tiến bộ. Sản xuất nông nghiệp được phục hồi. Từ chỗ thiếu ăn, phải nhập khẩu, hiện nay Nga không chỉ tự cung, tự cấp được nguồn lương thực và thực phẩm mà còn xuất khẩu được thịt lợn. Đó là một quãng đường dài.
Thấy Yuri nói thế, một kỹ sư Việt Nam có nhiều năm học tập và công tác tại Liên Xô và phiên dịch cho cuộc phỏng vấn này, nói thêm: “Mới đây, tổng thống Putin cho biết trong năm 2017, nếu như xuất khẩu vũ khí của Nga là 15 tỷ USD, thì xuất khẩu nông sản đã đạt 20 tỷ USD và dự kiến năm nay 2018 sẽ đạt 23 tỷ USD, Nước Nga hiện nay có 144 triệu dân mà làm ra tới 130 triệu tấn lương thực, thực phẩm, thừa tới 30 triệu tấn, nên Nhà nước phải hỗ trợ cho ngành nông nghiệp 300 triệu USD trong khâu vận tải và lưu thông hàng hóa.”
"Cấm vận của Mỹ và phương Tây chả ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi"
Quả thực trước khi sang Nga lần này, dù là lần thứ 5, tôi vẫn nghĩ đời sống của người dân Nga thế nào cũng gặp khó khăn trước cuộc cấm vận của Mỹ và phương Tây khi chính Tổng kiểm toán nước này thừa nhận tác động tiêu cực từ sự bao vây làm cho GDP của Nga chậm tăng trưởng 1%.
Nhưng qua tiếp xúc với một số người bạn Nga, trong đó có cả những người lái xe giúp chúng tôi đi chơi đây đó, phần lớn đều khẳng định họ không cảm thấy có gì thay đổi trong cuộc sống của mình trong những năm qua.
Vào các siêu thị hoặc ra chợ nông nghiệp, có thể dễ dàng nhận thấy sự dồi dào về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, phần lớn là do Nga sản xuất, chả có biểu hiện nào của sự thiếu thốn.
- Cấm vận của phương Tây ảnh hưởng đến đời sống của người dân Nga như thế nào?
Yuri Alimov: Có thể đối với những người giàu, nhiều tiền thì họ cảm nhận rõ hơn về tác động của sự cấm vận vì họ không còn được uống rượu vang và ăn phomat Pháp, nhưng với chúng tôi, những người lao động bình thường, cả khi về hưu, thì chả ảnh hưởng gì nhiều. Không có phomat Pháp thì chúng tôi ăn phomat Nga, vừa rẻ mà vẫn ngon chán. Thịt, cá, sữa, rau quả, như anh thấy, chả thiếu thứ gì ngoài chợ.
Thậm chí tôi còn nghĩ, cấm vận còn có tác động tích cực là làm cho người lao động Nga tích cực sản xuất hơn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Người dân Nga chăm làm hơn trước (cười). Tôi nghĩ chương trình thay thế hàng ngoại bằng hàng sản xuất trong nước do Tổng thống Putin phát động đã thành công.
Bây giờ hầu hết các dòng xe nước ngoài đều được sản xuất tại Nga bởi các công ty liên doanh. Trước đây Nga phải nhập tuốcbin của Đức, động cơ cho máy bay lên thẳng từ Ucraina, giờ Nga sản xuất được hết.
Từ chỗ phải nhập khẩu, Nga bây giờ xuất khẩu cả lúa mỳ, thịt lợn và nhiều sản phẩm khác. Chỉ có thịt bò là chúng tôi vẫn nhập từ một số nước Mỹ La tinh. Nếu anh đi nhiều nơi, anh sẽ thấy sự phát triển của công nghiệp địa phương Nga. Tóm lại, chúng tôi thấy cấm vận chả ảnh hưởng gì nhiều tới đời sống của mình.
- Bây giờ hỏi thực anh nhé, nếu phải lựa chọn giữa Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay thì anh chọn cái nào?
Yuri Alimov: Tôi vẫn chọn Liên bang Cộng hòa các nước Xô viết.
- Chắc anh là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô?
Yuri Alimov: Không, tôi chỉ vào đoàn Komsomol, nhưng không vào ĐCS. Khi còn làm việc, lãnh đạo cơ quan cũng giục tôi vào đảng, thậm chí hứa tăng chức nếu ra nhập ĐCSLX, nhưng tôi không vào vì ở thời điểm đó tôi đã thấy ĐCSLX không còn như trước nữa.
Đang định hỏi tiếp thì ngó đồng hồ đã là 11 giờ đêm, tôi đành hẹn Yuri nói chuyện tiếp vào sáng hôm sau, nhưng do chủ nhà dậy muộn mà tôi thì phải quay trở lại Matxcova sớm nên cuộc phỏng vấn phải dừng giữa chừng với câu hỏi bỏ ngỏ: tại sao công dân Nga Yuri Alimov vẫn muốn lựa chọn Liên Xô trước đây hơn là nước Nga ngày nay./.