Theo tờ New York Times, các quan chức Mỹ và Iran đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, gần ba năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không diễn ra trực tiếp mà qua các bên trung gian.
Trong tuyên bố ngày 2/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ đã nhất trí với các nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ cùng Đức) xác định các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại thỏa thuận JCPOA năm 2015.
Tuyên bố nhấn mạnh Washington không hy vọng các cuộc đàm phán sẽ ngay lập tức tạo được đột phá do vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, song bày tỏ tin tưởng đây là một "bước tiến thuận lợi."
Tuy nhiên, kênh truyền hình nhà nước Iran Press TV cùng ngày dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ Tehran sẽ từ chối mọi cuộc đàm phán gián tiếp với Washington hoặc giải pháp dỡ bỏ từng bước các lệnh trừng phạt tại một hội nghị của các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào tuần tới.
Nguồn tin nêu rõ: "Theo đường lối chỉ đạo kiên định của Lãnh tụ (Tối cao) Iran, bất cứ kết quả nào (của ủy ban thỏa thuận hạt nhân) dựa trên quan điểm từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoặc những cuộc thương lượng gián tiếp với Mỹ sẽ đều không thể chấp nhận được."
[Mỹ khẳng định lập trường trong việc đàm phán hạt nhân với Iran]
Trước đó cùng ngày, giới chức các nước P5+1, ngoại trừ Mỹ, và Iran thông báo sẽ nhóm họp trực tiếp vào tuần tới tại Vienna để thảo luận về thỏa thuận JCPOA.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, tham gia phái đoàn đàm phán Iran, các bên đã nhất trí nhóm họp trực tiếp tại Vienna vào ngày 6/4 tới sau các cuộc trao đổi "thẳng thắn và nghiêm túc."
Trong khi đó, hai nguồn tin ngoại giao châu Âu cũng xác nhận thông tin về cuộc họp vào tuần tới. Phía Mỹ cũng đã xác nhận nước này sẽ tham gia cuộc gặp tại Vienna.
Trong thời gian qua, giới chức Iran nhiều lần đề cập việc nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong JCPOA, nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã tuyên bố rút nước này thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran đã giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đang nỗ lực cứu vãn văn kiện này./.