Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Vladivostok (Viễn Đông Nga), kết thúc Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nga lần thứ 20 tại Vladivostok ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bày tỏ quan điểm về vấn đề Iran.
Tuyên bố chung, mang tên “Thông qua sự tin cậy và quan hệ đối tác - Hướng đến những đỉnh cao hợp tác mới,” kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực quân sự và công nghệ, với khả năng thành lập các công ty liên doanh tại Ấn Độ để phát triển và chế tạo máy bay dân sự.
Ấn Độ là một khách hàng chủ chốt của ngành sản xuất vũ khí Nga và trao đổi song phương trong lĩnh vực này đạt 11 tỷ USD năm 2018.
Vốn là nước nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới và đang tìm cách hiện đại hóa quân đội, Ấn Độ muốn tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và tháng Ba vừa qua nước này đã khởi động một công ty liên doanh với Nga để sản xuất súng máy AK-203.
Năm ngoái, Ấn Độ đã mua hệ thống tên lửa phòng không tân tiến S-400 của Nga với giá 5 tỷ USD, sẽ giao hàng vào năm 2023.
Tổng thống Putin cho biết tuyên bố chung đã "thể hiện mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ, bao gồm cả hoạt động phối hợp chính sách đối ngoại."
Về phần mình, Thủ tướng Modi nhấn mạnh hợp tác giữa hai bên đã đạt đến "một giai đoạn mới" với những khoản đầu tư song phương lớn "chưa từng thấy" trong lĩnh vực dầu khí.
Liên quan đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, văn kiện trên nêu rõ: “Hai bên kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm phản ánh thực tế của một thế giới đa cực và làm cho tổ chức này mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn trong hoạt động giải quyết các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới.”
Tuyên bố cũng khẳng định Nga và Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố hơn nữa vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trong các hồ sơ quốc tế.
Hai bên nhấn mạnh sự tối thượng của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định sự trung thành của mình với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm cả nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.
Ngoài ra, tuyên bố chung cũng cho biết Moskva và New Delhi sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại hợp pháp với Iran.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ liên tục áp đặt trừng phạt chống Iran, ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa các nước với Tehran.
Trước đó, ngày 28/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva sẽ thúc đẩy các sáng kiến vượt qua khủng hoảng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm trên, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi, hai bên đã ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác, trong đó có chương trình mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nga, Thủ tướng Modi sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF), diễn ra từ ngày 4-6/9 tại Vladivostok.
Diễn đàn EEF kéo dài 3 ngày, với hơn 70 sự kiện, tập trung vào các cách thức mở rộng hợp tác quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông./.