Nga bảo vệ quyền được sở hữu urani làm giàu của Iran

Đại diện thường trực của Nga tại IAEA, ông Mikhail Ulyanov nhấn mạnh cũng như mọi thành viên IAEA, Iran có quyền sở hữu urani làm giàu tới 4,5% với số lượng không hạn chế.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Nguồn: Getty Images)

Cũng như mọi thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran có quyền sở hữu urani làm giàu tới 4,5% với số lượng không hạn chế.

Trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 9/7, Đại diện thường trực của Nga tại IAEA, ông Mikhail Ulyanov viết: "IAEA báo cáo mức độ làm giàu urani mới tại nước Cộng hòa Hồi giáo là 4,5% thay vì 3,67% trước đó. Đây là urani làm giàu ở cấp độ thấp, không liên quan tới vũ khí hạt nhân. Bất kỳ thành viên IAEA nào cũng có quyền sở hữu một kho dự trữ unrani không giới hạn. Dưới sự kiểm soát của quốc tế, việc sở hữu này không gây rủi ro cho việc phổ biến vũ khí."

Tuyên bố trên được quan chức Nga đưa ra ngay trước thềm phiên họp đặc biệt của ban lãnh đạo IAEA về hồ sơ hạt nhân Iran, dự kiến diễn ra ngày 10/7 tại trụ sở ở Vienna (Áo). Phiên họp được tổ chức theo yêu cầu của phía Mỹ, cho rằng cộng đồng quốc tế cần làm rõ trách nhiệm của Tehran.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, phát biểu bên lề cuộc gặp không chính thức của Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tin rằng Iran sẽ hạn chế việc làm giàu urani. Ông nêu rõ Moskva sẽ theo dõi sát các diễn biến trong hồ sơ hạt nhân Iran và với mức làm giàu urani từ 3,67% đến dưới mức 5%, Tehran không vi phạm bất kỳ cam kết nào đã ký trước đó với IAEA, Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các thỏa thuận bổ sung.

Trước đó, ngày 8/7, IAEA xác nhận Iran đã làm giàu urani cao hơn giới hạn 3,67% như đã nhất trí trong thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được quốc gia Hồi giáo này và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Pháp cùng Đức) ký kết hồi năm 2015. Ngoài ra, cũng đã có thông tin về việc Iran vượt ngưỡng dự trữ giới hạn 300kg urani làm giàu mức độ thấp.

JCPOA hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU. Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu urani vượt mức 3,67% và duy trì mức urani làm giàu ở mức không vượt quá 300 kg cũng như không xây dựng thâm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 8/4/2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Sau đó đúng 1 năm, ngày 8/5/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran tạm dừng một phần cam kết về thỏa thuận hạt nhân và cho các bên tham gia thỏa thuận 2 tháng để quay trở lại thực hiện thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục