Theo AFP/Reuters/AP, phát biểu trước báo chí ngày 7/7 tại Tehran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ các cam kết khác về hạt nhân “trong 60 ngày tới," trừ khi Tehran và các đối tác trong hiệp định hạt nhân tìm ra một giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của Iran.
Trước mắt, Iran xác nhận ngày 7/7 sẽ vượt quá giới hạn cho phép về tỷ lệ làm giàu urani theo quy định của hiệp định hạt nhân năm 2015.
Quyết định làm giàu urani với tỷ lệ trên 3,67% đã được Tổng thống Rohani thông báo hôm 3/7 vừa qua.
Trong bối cảnh này, người dân Iran, đặc biệt là tầng lớp nghèo và tầng lớp trung bình, cho rằng ngày càng nhiều hậu quả của tình trạng kinh tế suy sụp kể từ khi Mỹ tái lập các lệnh trừng phạt.
Ông Omid Mohammadi, tài xế taxi nay buộc phải chuyển sang làm nghề bán hàng rong, nói: “Những trừng phạt của Mỹ có sức tàn phá nặng nề. Tình hình hiện nay trở nên tồi tệ hơn gấp nghìn lần. Hai bên cần phải tìm ra đồng thuận và dỡ bỏ các trừng phạt đó. Nếu kinh tế tiếp tục trì trệ như vậy, đất nước sẽ ngày càng bị tê liệt.”
Còn ông Rahman, một người lao động 50 tuổi, nhấn mạnh rằng “bằng mọi giá các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ, vì chính người dân thường đang gánh chịu áp lực.”
Pháp, Đức, Anh- các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 - bày tỏ lo ngại về bước đi mới nhất của Tehran để buộc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang tàn phá nền kinh tế nước này.
Các cuộc khẩu chiến
Các đối thủ truyền kiếp đã bị mắc kẹt trong cuộc khẩu chiến ngày càng leo thang với việc Washington đổ lỗi cho Iran về một loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu và việc Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mà cả hai bên đều muốn tránh.
[Ngoại trưởng Iran: Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là tốt nhất]
[Trong những ngày qua, chính quyền Donald Trump liên tục cảnh cáo Iran rằng Washington có thể sẽ trả đũa nếu Tehran tiếp tục thách thức thế giới về hạt nhân.
Trên mạng Twitter, ông Donald Trump ngụ ý rằng những đe dọa của Iran có thể sẽ gây tác dụng ngược đối với nước này, nhưng ông không nói cụ thể Mỹ sẽ trả đũa như thế nào.
Còn Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ lo ngại việc Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân sẽ chỉ dẫn đến thêm các biện pháp trừng phạt và cô lập đối với nước này.
Washington hiện tuyên bố muốn duy trì áp lực tối đa lên Tehran và yêu cầu triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào ngày 10/7 tới.
IAEA đã xác nhận trong tháng này rằng Iran đã vượt quá giới hạn 300 kg đối với trữ lượng urani làm giàu, một mức trần được đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân 2015.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 7/7 đã chỉ ra doanh số bán dầu giảm của Iran và tác động của các biện pháp trừng phạt tài chính là những vấn đề chính cần được giải quyết, hoặc Tehran sẽ rút khỏi các cam kết hạt nhân của mình.
"Chúng tôi hy vọng có thể đạt được một giải pháp trong 60 ngày nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành bước thứ ba,” ông nói.
Trước đó, ngày 7/7, Iran đe dọa sẽ nối lại việc xây dựng một lò phản ứng nước nặng- có khả năng sản xuất plutoni - ở Arak thuộc miền Trung Iran, một dự án đã bị ngừng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tuy nhiên, kể từ khi Iran đưa ra tối hậu thư cho lò phản ứng Arak, các bên đã đạt được “sự tiến bộ về kỹ thuật,” đồng ý hiện đại hóa cơ sở này nhưng không sản xuất plutoni cho mục đích quân sự, đồng thời thuyết phục Iran hoãn quyết định này, ông Araghchi nói.
Không gian cho các cuộc đàm phán
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 7/7 đã viết trên twitter rằng “tất cả các biện pháp được thực hiện để thu hẹp các cam kết của Iran đối với thỏa thuận này là ‘có thể đảo ngược’ nếu các thành viên châu Âu tham gia hiệp ước này hoàn thành nghĩa vụ của mình.”
Tổng thống Emmanuel Macron ngày 6/7 đã bày tỏ với đồng nhiệm Iran Rohani mối quan ngại rất lớn của ông trước nguy cơ hiệp định hạt nhân Iran bị làm suy yếu và những hậu quả kèm theo đó.
Trong cuộc điện đàm hơn một tiếng đồng hồ với ông Rohani, ông Macron cho biết từ nay đến ngày 15/7, Chính phủ Pháp sẽ cố gắng thuyết phục các bên trở lại bàn đàm phán.
Theo một nguồn tin từ Văn phòng Điện Elysee của ông Macron, cơ chế giải quyết tranh chấp thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không được kích hoạt ngay hiện nay.
Theo cơ chế này, nếu một loạt các biện pháp được thiết kế để giải quyết những bất đồng thất bại, các biện pháp trừng phạt trong tất cả các nghị quyết trước đó của Liên hợp quốc sẽ được áp đặt trở lại.
Ông Daniel Byman, thành viên cao cấp về chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu Brookings cho biết Iran đã có một bước đi cân bằng khéo léo.
"Bước đi này nhằm thể hiện cho người dân trong nước thấy rằng Iran đang chống đỡ áp lực của Mỹ. Điều này cũng đem tới cảm giác rủi ro cho người dân châu Âu rằng Iran có thể gây ra một cuộc khủng hoảng," ông nói.
Theo thỏa thuận này, Iran có thể làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn 20% mà nước này đạt được trước khi có thỏa thuận và khoảng 90% để có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.
Áp lực đối với các nước châu Âu
Các thanh sát viên IAEA đang ở Iran sẽ báo cáo lại sau khi họ kiểm tra Tehran đã làm giàu urani ở mức tinh khiết cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận này, cơ quan này cho biết.
Mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Tehran và Washington đã xấu đi hồi tháng 5/2018 khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này, vốn đạt được trước khi ông nhậm chức và đưa ra các biện pháp trừng phạt vì cho rằng thỏa thuận này là “không đủ để giải quyết chương trình tên lửa của Iran hay các chính sách của nước này ở Trung Đông.”
Tehran cho biết chương trình tên lửa của nước này là để phòng vệ. Vì thế trong quá trình tranh chấp, Iran có thể lập luận việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và chiến dịch trừng phạt của Washington là cơ sở để Iran ngừng thực hiện các cam kết của mình.
Ông Abbas Araqchi phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran: "Các nước châu Âu đã không thực hiện các cam kết và họ cũng phải chịu trách nhiệm. Cánh cửa ngoại giao vẫn mở nhưng điều quan trọng là phải có những sáng kiến mới"./.