Nga biến bán đảo Crimea trở thành "lá chắn trên không"

Kể từ đầu tháng 12, hệ thống phòng không của Nga đã hoạt động trên bán đảo Crimea và tại bán đảo này cũng đã hình thành trường radar liên tục.
Nga biến bán đảo Crimea trở thành "lá chắn trên không" ảnh 1Nga đã tăng cường Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300PMU tại Crimea. (Nguồn: Sputnik)

Theo truyền thông Nga, hệ thống phòng không của Nga trên bán đảo Crimea, vốn được sáp nhập từ Ukraine hồi tháng 3 vừa qua, đã đi vào hoạt động hoàn chỉnh.

Thiếu tướng Victor Gumennyi, chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không trực thuộc Không quân Nga ngày 6/12 cho biết kể từ đầu tháng 12, hệ thống phòng không của Nga đã hoạt động trên bán đảo Crimea và tại bán đảo này cũng đã hình thành trường radar liên tục.

Ông Gumennyi được dẫn lời nói: "Giờ không một phương tiện bay nào có thể bay vào Crimea mà không bị lưu ý, nó sẽ bị phát hiện và tiêu diệt." Ông lưu ý mọi công việc cần thiết để tổ chức trực chiến của lượng phòng không ở Crimea đã hoàn tất hôm 1/12.

Hôm 26/11, các máy bay tiêm kích của Nga đã được đưa tới sân bay quân sự Belbek ở Sevastopol. Trước đó, có tin nói Nga muốn lập một đơn vị ở Crimea "do tình hình ở Ukraine và quan điểm chống Nga của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."

Việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga tại Crimea được bắt đầu gần như ngay sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Nga. Các ưu tiên chính của Bộ Quốc phòng Nga tại bán đảo này là tăng cường các hệ thống phòng phủ bờ biển, không quân và phòng không.

Cụ thể ở Crimea, Nga đã triển khai một trung đoàn pháo binh mới và hoàn chỉnh với pháo tự hành Msta-S, hệ thống chống tăng hạng nặng Khrizantema và nhiều hệ thống rốckét Tornado-G, cũng như sư đoàn tên lửa bờ biển di động Bastion-P trang bị tên lửa có cánh Onyx.

Ngoài ra, ở Crimea đã hiện diện đơn vị không quân của lục quân và không quân tiền tuyến Nga với vài chục máy bay và trực thăng, hệ thống tên lửa S-300P và các hệ thống vũ khí khác. Trên bán đảo cũng triển khai lục quân Nga cùng xe tăng hạng nặng và pháo binh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.