Ngày 2/8, Điện Kremlin cho rằng nếu Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, hay còn gọi là START 3) hết hiệu lực mà không có hiệp ước nào thay thế vào năm 2026 thì điều này sẽ có tác động rất tiêu cực đến an ninh toàn cầu.
Trước đó cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tỏ ý nghi ngờ đề xuất của Mỹ về việc đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhằm thay thế cho Hiệp ước New START.
[Liên hợp quốc hoan nghênh Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước New START]
Ngày 1/8, trong một tuyên bố đưa ra trước thềm phiên khai mạc hội nghị các nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington sẵn sàng thảo luận với Nga về thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới để thay thế cho New START và yêu cầu Moskva phải chứng tỏ "sẵn sàng phối hợp."
Nga và Mỹ đã ký New START vào năm 2010. Hồi tháng 2/2021, Moskva và Washington đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026./.