Nga cáo buộc NATO hối Kiev giải quyết xung đột bằng vũ lực

Trả lời phỏng vấn của El Pais, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hối thúc Kiev giải quyết xung đột bằng vũ lực.
Nga cáo buộc NATO hối Kiev giải quyết xung đột bằng vũ lực ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 17/9 đã lên tiếng cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hối thúc Kiev giải quyết xung đột bằng vũ lực. Tuyên bố được ông Lavrov đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tây Ban Nha, El Pais số ra ngày 17/9.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh vai trò không có tính xây dựng của NATO trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Liên minh quân sự này hướng đến việc phát triển tiềm năng quân sự cho Ukraine, bằng cách sử dụng quân đội để chống lại người dân nước này.

Giới chức NATO ủng hộ ý định của các nước thành viên mở rộng việc cung cấp cho Ukraine những đơn vị vũ khí chuyên dụng, thiết bị quân sự, mà có thể được chính quyền Kiev sử dụng để trấn áp người biểu tình ở miền Đông. Như vậy, theo ông Lavrov, NATO đã thực sự xúi giục Ukraine giải quyết xung đột nội bộ bằng vũ lực.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với các đối tác phương Tây trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy chính quyền Kiev tiến tới hòa bình.

Ông Lavrov nhấn mạnh Nga có quan điểm rõ ràng là muốn có hòa bình tại Ukraine, điều chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc đối thoại rộng rãi trên toàn quốc có sự tham gia của tất cả các khu vực và tất cả các lực lượng chính trị ở quốc gia Đông Âu này. Đây chính là điều Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã nhất trí tại Geneva (Thụy sỹ) ngày 17/4.

Ngoài ra, thỏa thuận đạt được tại Minsk (Belarus) ngày 5/9 cũng là bước đi quan trọng và là "xuất phát điểm cho việc bắt đầu cuộc đối thoại chính trị trong nội bộ Ukraine để tìm ra các biện pháp đồng thuận dân tộc." Ngoại trưởng Nga kêu gọi các bên nghiêm túc tuân thủ tất cả các điều khoản trong văn kiện trên.

Về tình hình nhân đạo, Ngoại trưởng Nga cho rằng tình hình tại miền Đông-Nam Ukraine đang đứng bên bờ vực thảm họa, và các vấn đề bảo đảm đời sống cho người dân trước mùa Đông tới, cũng như việc cung cấp các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cho người dân đang là mối quan ngại lớn nhất.

Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine đến nay, hàng trăm nghìn người dân ở miền Đông nước này rơi vào tình trạng thiếu điện, nước, lương thực và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Chưa kể đến hàng trăm nghìn người khác bị thương vong và phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng đòi liên bang hóa và quân đội chính quyền Kiev.

Đề cập tới tuyên bố của các cơ quan truyền thông phương Tây về khả năng binh sỹ Nga đã được đưa vào lãnh thổ Ukraine, quan chức ngoại giao Nga cho rằng đây là biểu hiện của chiến tranh thông tin, không có thực tế và bằng chứng. Ngoại trưởng Nga khẳng định những tuyên bố vô căn cứ như vậy là đặc điểm trong quan điểm của Mỹ và một số nước thành viên EU.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố việc thực thi lệnh trừng phạt này hoàn toàn không tính đến trách nhiệm của Brussels trong việc thực hiện những cam kết đạt được tại cuộc gặp của nhóm tiếp xúc về Ukraine tại Minsk.

Ông Lavrov cũng nhấn mạnh Washington và Brussels cần phải hiểu rằng Moskva dành cho mình quyền được làm tất cả để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình, trong đó có lợi ích an ninh quốc gia.

Cuối cùng, Mỹ, EU và các quốc gia khác cũng cần lắng nghe lý trí của mình và ngừng vòng luẩn quẩn vô nghĩa này theo nguyên tắc “ăn miếng, trả miếng” mà chính họ là bên khởi xướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.