Các nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Astrakhan (Nga) đã phát minh ra thiết bị định vị độc đáo dành cho những người mù và khiếm thị.
Với sự hỗ trợ của thiết bị này, những người có vấn đề hạn chế về thị lực có thể dễ dàng nhận biết các vật thể trong cuộc sống thường nhật.
S-vision, hay còn được biết đến với tên gọi đầy đủ là "Hệ thống nhận dạng khách thể dành cho người rối loạn thị giác," là một thiết bị dẫn đường có khả năng giúp người khiếm thị xác định sự hiện diện của những đối tượng ở đằng trước.
Thiết bị có tính năng nhận biết màu sắc hay hương vị, qua đó giúp người dùng nhận biết cả các vật thể khó phân biệt khi tiếp xúc. S-vision có thiết kế giống như một chiếc lắc đeo tay, bên trong tích hợp ổ pin và tai nghe.
Theo các chuyên gia, hình dáng vòng tay của S-vision có tính ứng dụng cao, không cản trở hoạt động của người dùng và ít thu hút sự chú ý hay tò mò.
Thiết bị mới hoạt động dựa trên công nghệ nhận dạng tần số. Trước tiên, thân nhân của người khiếm thị cần dán vạch đánh dấu vật thể lên một tấm thẻ đặc biệt. Mỗi dấu vạch sẽ liên kết với một tập tin âm thanh lưu trong cơ sở dữ liệu của chiếc lắc đeo tay.
Khi đưa chiếc vòng tay đến gần một vật thể, thiết bị sẽ kích hoạt thẻ và đọc thông tin chứa bên trong, sau đó nối kết cơ sở dữ liệu và phát thành âm thanh tương ứng trong tai nghe. Với mục tiêu phục vụ đời sống hàng ngày, bộ nhớ của chiếc lắc có thể ghi lại hơn 100 mục.
Đây không phải lần đầu tiên thế giới biết về kỹ thuật dẫn đường cho người khiếm thị. Tuy nhiên, so với những thiết bị nước ngoài, chiếc lắc tay S-vision có hàng loạt điểm ưu việt lợi thế, nổi bật nhất là giá cả và kích cỡ.
Bên cạnh đó, máy dẫn đường của Nga còn có khả năng chống ẩm, chống va chạm, chịu được sự thay đổi nhiệt độ và làm việc rất nhanh nhạy - có khả năng nhận biết khoảng 40 vật thể trong vòng một phút./.