Nga có thể sẽ hoãn bàn giao lô tên lửa S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ

Việc bàn giao lô hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ hai của Nga cho nước này có thể bị trì hoãn so với thời gian đã định vào năm 2020 do các cuộc đàm phán về chia sẻ kỹ thuật và sản xuất chung.
Nga có thể sẽ hoãn bàn giao lô tên lửa S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Máy bay vận tải Nga chở các bộ phận của Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sau khi được bốc dỡ tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cục trưởng  Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir nêu rõ việc bàn giao lô hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ hai của Nga cho nước này có thể bị trì hoãn so với thời gian đã định vào năm 2020 do các cuộc đàm phán về chia sẻ kỹ thuật và sản xuất chung.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình NTV ngày 4/11, ông Ismail cho biết thêm Moskva cũng đã chào bán các máy bay chiến đấu của Nga và Ankara đang cân nhắc điều này.

Theo ông Ismail, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi "phân tích toàn diện" đơn hàng.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, trị giá 2,5 tỷ USD. Lô tên lửa thứ nhất đã được bàn giao hồi tháng Bảy vừa qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Ankara sẽ bắt đầu đưa hệ thống S-400 vào trực chiến từ mùa Xuân 2020 sau khi hệ thống được lắp đặt hoàn chỉnh và nhân sự được huấn luyện.

S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400km.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thứ 3 được chuyển giao S-400. Trước đó, Nga đã ký hợp đồng với Belarus và Trung Quốc.

Dự kiến, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 trong danh sách này.

Ngoài ra, theo Chính phủ Nga, một số các thành tố của S-400 sẽ được sản xuất ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng đang xem xét việc mua máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 thay cho F-35 của Mỹ.

Các máy bay chiến đấu của Nga có nhiệm vụ giúp Ankara sở hữu công nghệ mới và bù đắp sự thiếu hụt máy bay hiện đại trước khi máy bay thế hệ thứ năm ra đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.