Nga đứng trước thử thách mới khi Phương Tây cấm nhập khẩu vàng

Do vàng là mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi năm nên lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của nước này để vượt qua khó khăn kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong động thái mới nhất nhằm gia tăng sức ép lên Nga liên quan tới tình hình Ukraine, phương Tây tiến thêm một bước trong nỗ lực sử dụng các công cụ kinh tế, với sự nhất trí về lệnh cấm khẩu vàng của Nga.

Do vàng là mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi năm, lệnh cấm này sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của nước này để vượt qua các khó khăn kinh tế. 

Khi Phương Tây siết chặt trừng phạt

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm gia tăng sức ép buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản sẽ cấp nhập khẩu vàng của Nga nhằm hạn chế nguồn lực tài chính của nước này để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Lệnh cấm được áp dụng đối với vàng mới khai thác hoặc tinh chế và sẽ được đưa ra Quốc hội Anh thảo luận trong những tuần tới. Lệnh cấm không ảnh hưởng đến vàng có xuất xứ từ Nga được nhập khẩu trước đây và không được áp dụng đối với vàng được mua hợp pháp trước khi lệnh cấm được đưa ra.

Phát biểu họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày, đến hết ngày 28/6, ở miền Nam nước Đức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, với điều kiện biện pháp này không phản tác dụng.

Ông Michel nêu rõ về vấn đề vàng, EU sẵn sàng xem xét chi tiết và cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu theo cách có thể tác động đến nền kinh tế Nga, mà không gây ảnh hưởng tới khối này. 

Ông Michel cho rằng lệnh cấm nhập khẩu vàng sẽ khiến Nga mất đi nguồn thu cần thiết để trang trải cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

[Các nước thành viên G7 tán thành cấm nhập khẩu vàng của Nga]

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng Hai, các nước phương Tây đã thực hiện một loạt các biện pháp trừng phát nhằm vào các cá nhân giàu có, các ngân hàng, doanh nghiệp và các công ty nhà nước.  

Mỹ, EU, Anh và các nước khác đã trừng phạt hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp của Nga.

Đến nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa trực tiếp nhắm tới hoạt động thương mại liên quan tới vàng của Nga. Tuy nhiên, từ sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, nhiều ngân hàng, công ty luyện kim và vận chuyển quốc tế đã dừng các giao dịch liên quan vàng từ Nga.

Mỹ, Anh và các đồng minh G7 sẽ công bố lệnh cấm vận tập thể với vàng của Nga vào 28/6.

Tác động ra sao đến Nga?

Theo Nhà Trắng, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020, với trị giá 19 tỷ USD và 90% lượng vàng xuất khẩu của Nga là sang các nước G7, chủ yếu là Anh. 

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga, sau năng lượng, giảm xuống 15,5 tỷ USD. Tuy nhiên, G7 tiếp tục chiếm 90% giá trị xuất khẩu vàng của Nga.

Tầm quan trọng của ngành này tăng lên từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong bối cảnh giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.

Giới chức tin rằng do London là trung tâm giao dịch vàng lớn của toàn cầu, các lệnh trừng phạt sẽ tác động rất lớn đến nguồn tài chính của Nga dành cho chiến sự tại Ukraine.

Động thái mới nhất có nghĩa những hạn chế nhập khẩu của Anh sẽ được áp dụng với lượng vàng có trị giá 13,5 tỷ bảng (16,6 tỷ USD).

Nga sản xuất khoảng 10% tổng lượng vàng khai thác toàn cầu mỗi năm. Từ sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã tăng gấp ba lần lượng dự trữ vàng.

Ngân hàng trung ương Nga hiện dự trữ khoảng 2.000 tấn vàng, trị giá ròng khoảng 140 tỷ USD. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, đây là khoản dự trữ bằng vàng lớn thứ 5 trên thế giới.

Nga đã và đang sử dụng vàng để hỗ trợ duy trì giá trị đồng nội tệ. Một trong các cách thức là dùng vàng đổi lấy các loại ngoại tệ không thuộc các nước đã áp lệnh cấm vận lên Nga.

Một cách làm khác là Nga bán vàng miếng, thông qua thị trường chính thức, thị trường chợ đen, hoặc môi giới, cho các đối tác để thu về ngoại tệ mạnh.

Vàng cũng có thể được Nga sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ trực tiếp từ các đối tác sẵn sàng trao đổi.

Tuy nhiên, các cá nhân và tổ chức trước đây vẫn trao đổi hàng hóa, dịch vụ, ngoại tệ lấy vàng của Nga sẽ e ngại, trước viễn cảnh số vàng họ mua với giá rẻ từ Nga sẽ không thể tiêu thụ tại thị trường các nước G7.

Tác động từ lệnh cấm vận sẽ rõ ràng hơn sau khi chính phủ các nước công bố hướng dẫn cụ thể về cách vận hành của cơ chế trừng phạt nhắm vào vàng của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục