Nga: EU "bơm" thêm tiền cho Ukraine sẽ gây tổn hại kinh tế nước thành viên

Nga cho rằng việc EU hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine sẽ gây tổn hại các nước thành viên vốn đang gặp khó khăn, cũng như gây bất lợi cho ngành công nghiệp và tương lai của các nước này.

Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine sẽ gây tổn hại cho kinh tế của chính liên minh này.

Theo ông Peskov, việc EU "bơm" thêm tiền cho Ukraine sẽ gây tổn hại cho kinh tế của các nước thành viên vốn đang gặp khó khăn, cũng như gây bất lợi cho ngành công nghiệp và tương lai của các nước này. Ông đồng thời cho rằng hành động của EU sẽ không thể tác động tới tình hình thực địa.

Quan chức Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên sau khi Báo Financial Times ngày 26/12 đưa tin EU đang xem xét kế hoạch dự phòng, theo đó cung cấp 20 tỷ euro (22,08 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra hôm 14-15/12 ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được đồng thuận về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ lên tới 50 tỷ euro dưới dạng các khoản vay nhằm duy trì bộ máy nhà nước của quốc gia này.

Đề xuất này nằm trong kế hoạch đánh giá rộng hơn về ngân sách dài hạn của châu Âu và phải được tất cả 27 thành viên EU nhất trí. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối đề xuất trên.

Các quan chức EU sau đó đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế để giúp Ukraine vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính đang cận kề.

Một số quan chức tham gia đàm phán cho biết các nước EU đang xem xét kế hoạch dự phòng được mô tả là giải pháp thiết thực nhất để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nếu Thủ tướng Orban vẫn tiếp tục phản đối vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tiếp theo, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/2/2024.

Theo kế hoạch này, các quốc gia thành viên tham gia sẽ cung cấp sự bảo lãnh cho ngân sách EU, qua đó cho phép EC vay tới 20 tỷ euro trên thị trường vốn để cung cấp cho Kiev vào năm tới.

Các điều khoản chính xác vẫn đang được thảo luận và số tiền cuối cùng sẽ được ấn định theo nhu cầu của Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.