Nga hoài nghi về tương lai của Tổ chức cấm vũ khí hóa học OPCW

Bộ trưởng Công nghiệp Nga Georgy Kalamonov cho rằng tương lai của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đang bị hoài nghi sau khi các thành viên bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng quyền hạn của cơ quan này.
Nga hoài nghi về tương lai của Tổ chức cấm vũ khí hóa học OPCW ảnh 1Mặt nạ được các chuyên gia sử dụng ở khu vực nghi bị tấn công vũ khí hóa học ở Syria. (Nguồn: Prensa Latina)

Ngày 27/6, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Georgy Kalamonov cho rằng tương lai của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đang bị hoài nghi sau khi các thành viên bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng quyền hạn của cơ quan này.

Phát biểu trước báo giới, ông Kalamonov nhấn mạnh nhiều nước bỏ phiếu phản đối biện pháp này đang bắt đầu cân nhắc cách thức OPCW tồn tại và hoạt động trong tương lai.

Trước đó, với 82 phiếu thuận và 24 phiếu chống, các nước thành viên OPCW đã thông qua đề xuất của Anh về việc mở rộng quyền hạn của cơ quan này. Theo đề xuất, OPCW sẽ có nhiều thêm thẩm quyền để quy trách nhiệm trong các vụ tấn công hóa học ở Syria.

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), song bị Nga, Iran và Syria phản đối.

[Syria: Các chuyên gia OPCW tới địa điểm thứ 2 tại Douma]

Trên mạng xã hội Twitter, phái đoàn Anh viết: "Cộng đồng quốc tế đã cùng nhất trí ủng hộ việc tăng cường các lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học."

Giữa tháng 4 vừa qua, một đội điều tra thuộc OPCW đã tới thị trấn Douma thuộc khu vực Đông Ghouta, Syria, để điều tra nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 7/4 khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Vụ tấn công tại thị trấn Douma trong đó các nước phương Tây cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là lý do mà ba nước Anh, Pháp, Mỹ đưa ra để tiến hành vụ không kích nhằm vào Syria.

Trong khi đó, Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên, cho rằng vụ việc tại Douma là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria.

Mới đây, hàng chục nhân chứng tại bệnh viện Douma khẳng định rằng đoạn video mà cả thế giới xem, trong đó có những người được xem như là nạn nhân của việc sử dụng vũ khí hóa học cùng với nhân viên cứu trợ, đều là sản phẩm "giả mạo" do tổ chức "Mũ bảo hiểm trắng" dàn dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.