Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva có thể áp đặt các biện pháp chống lại Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật các lệnh trừng phạt kinh tế mới lên Moskva.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ là thiển cận và có nguy cơ gây tổn hại sự ổn định toàn cầu. Tuyên bố nhấn mạnh: "Đây là lúc nhận ra rằng các mối đe dọa và nỗ lực nhằm gây áp lực lên Nga sẽ không khiến Moskva thay đổi lập trường hoặc hy sinh lợi ích quốc gia của mình."
[Tổng thống Mỹ Trump: Đạo luật trừng phạt Nga là "sai lầm đáng kể"]
Trong khi đó, cùng ngày, Iran khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã phá vỡ những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới.
Theo hãng tin ISNA, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố: "Theo quan điểm của chúng tôi, thỏa thuận hạt nhân đã bị vi phạm, và chúng tôi sẽ cho thấy phản ứng thích đáng và tương ứng đối với vấn đề này."
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định Mỹ đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), nhằm gây tổn hại cho Iran.
Báo Hamshahri của Iran dẫn lời ông Shamkhani nhấn mạnh JCPOA chỉ có giá trị khi tất cả các bên tham gia ký tiếp tục thực hiện đầy đủ cam kết của mình.
Trước đó, phía Nga cũng đã phản ứng cứng rắn trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Moskva thông báo sẽ trục xuất các nhân viên ngoại giao Mỹ nhằm đáp trả lại các lệnh trừng phạt mới của Washington.
Iran hiện không có những mối quan hệ ngoại giao hay thương mại trực tiếp với Mỹ do đó những lựa chọn trả đũa của nước này sẽ có phần hạn chế. Tuy nhiên Iran sẽ khiếu nại vấn đề này lên cơ quan giám sát thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015 đã chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2016, mở đường cho việc bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình.
Thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc các nước châu Âu tập trung quay trở lại đầu tư vào Iran, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ. Trong đó, tập đoàn năng lượng Total của Pháp đã tham gia phát triển dự án khí đốt khổng lồ South Pars ngoài khơi Iran. Do đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Araqchi cho rằng châu Âu sẽ không cho phép Trump phá hủy thỏa thuận hạt nhân.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng ngày cũng tuyên bố EU sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới nếu các lệnh trừng phạt này ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của EU. Ông Juncker nhấn mạnh EU phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình, và sẽ kiên quyết làm điều đó./.