Theo hãng tin TASS, ngày 22/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết nước này kêu gọi Mỹ thực hiện các bước để phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT).
Phát biểu tại Hội nghị tạo điều kiện cho CTBT có hiệu lực, ông Vershinin nói: "Mỹ có thể đã trở thành động lực biến CTBT thành công cụ ràng buộc về mặt pháp lý trong luật pháp quốc tế và trở thành một tấm gương.
Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ sửa đổi cách tiếp cận và lập tức thực hiện các bước để phê chuẩn Hiệp ước này. Chúng tôi gửi lời kêu gọi tới các quốc gia, mà Hiệp ước này phụ thuộc, hãy ký và phê chuẩn Hiệp ước càng sớm càng tốt. Mỗi quốc gia này đều chịu trách nhiệm chung về tương lai của Hiệp ước.”
[Thêm 6 nước phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện]
Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua CTBT hôm 24/9/1996. Hiệp ước cấm các vụ thử vũ khí hạt nhân và bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác, cho cả mục đích dân sự và quân sự, trong mọi môi trường. Hiệp ước đã được 178 quốc gia phê chuẩn, trong đó có cả Anh, Pháp và Nga.
Tuy nhiên, Hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực. Để có hiệu lực, Hiệp ước cần được phê chuẩn bởi 44 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc có năng lực tiềm tàng để sở hữu vũ khí hạt nhân (danh sách được nêu trong Phụ lục của Hiệp ước và lấy từ cơ sở dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế).
Tám quốc gia trong danh sách này nằm ngoài hiệp ước gồm Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan chưa ký hiệp ước; Ai Cập, Israel, Iran, Trung Quốc và Mỹ đã ký nhưng không phê chuẩn./.