Nga kêu gọi Mỹ và phương Tây nối lại nỗ lực chung kiểm soát vũ khí

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây nối lại nỗ lực chung trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, đồng thời mong các bên sẽ sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Sputnik)

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị giải trừ quân bị diễn ra ngày 20/3 tại Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây nối lại nỗ lực chung trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, đồng thời nhấn mạnh ông tin tưởng rằng các bên có đủ sáng suốt và năng lực để vượt qua khủng hoảng, duy trì và củng cố hệ thống thỏa thuận quốc tế hiện nay về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, cũng như bổ sung các thỏa thuận mới.

Theo ông Lavrov, phát biểu của đại diện Mỹ tại hội nghị cho thấy xu hướng ngược lại. Do đó, ông hy vọng rằng các nước phương Tây đánh giá tình hình một cách tỉnh táo, đặt ra những ưu tiên và nối lại các nỗ lực chung trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh, bao gồm cả vấn đề kiểm soát vũ khí.

Quan chức ngoại giao Nga cho rằng tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên cơ sở song phương Nga-Mỹ, cụ thể là Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), đã tự kết thúc và cần được chuyển sang cơ chế đa phương mà tất cả các bên tham gia có thể chấp nhận được.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, cơ sở của một quá trình đa phương là dựa trên nguyên tắc an ninh thống nhất và toàn vẹn, vì giải giáp hạt nhân sẽ là vô ích nếu không tính đến những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định chiến lược.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang mới do Mỹ khởi xướng có thể khiến nhiều nước trên thế giới coi tiềm lực hạt nhân là sự bảo đảm duy nhất cho an ninh quốc gia của mình. Ông nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), thỏa thuận hạn chế sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa, và INF, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn và không thể lường trước.

[Kiểm soát vũ khí hạt nhân trong kỷ nguyên Trump]

Ông Lavrov cũng chỉ trích hầu hết các nước phương Tây đều không có trách nhiệm và thờ ơ trước hành động này của Mỹ. Do đó, ông khẳng định Nga sẽ có hành động đáp trả tương xứng nếu Mỹ triển khai các tổ hợp tên lửa mới, song cách thức của Nga sẽ không nhằm đẩy nước này vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Liên quan Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), nhà ngoại giao Nga tuyên bố Moskva sẵn sàng đối thoại về việc kéo dài hiệu lực của văn kiện này thêm 5 năm bất chấp quan điểm trái ngược của Mỹ. Theo ông Lavrov, Nga không muốn START-3 có "số phận" tương tự như INF. START-3 sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021.

Những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, một hiệp ước quan trọng thời Chiến tranh Lạnh, với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển một hệ thống tên lửa mới.

Ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong INF như một đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Nga cho rằng Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục