Nga không chấp nhận điều kiện của Mỹ để gia hạn New START

Mỹ đã yêu cầu Nga giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và Nga không chấp nhận điều này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng đề nghị của Mỹ yêu cầu Nga giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa hai nước là “không thể chấp nhận được” đối với Moskva.

Phát biểu của ông Ryabkov được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea khẳng định Mỹ sẵn sàng gia hạn hiệp ước New START, mà Moskva gọi là START-3, trong một khoảng thời gian với điều kiện Nga đồng ý hạn chế và “đóng băng” kho vũ khí của mình.

Ông Billingslea cũng thông báo Mỹ đã đạt được một “thỏa thuận về nguyên tắc” với Nga về việc gia hạn New START.

Theo thỏa thuận được ký năm 2010 này, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.

[Nga không sẵn sàng gia hạn Hiệp ước "NEW START" theo điều kiện của Mỹ]

Giới chuyên gia nhận định hiệp ước New START là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân, bởi ở giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.

Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý.

Trước đó, phía Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước này với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm.

Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.

Trước đó, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác giữa Washington và Moskva, với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, trong khi Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng.

Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF kéo theo việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước này.

Moskva cáo buộc Mỹ “phạm sai lầm nghiêm trọng” khi quay lưng lại với INF và chỉ trích "chiến dịch tuyên truyền của" Washington nhằm đổ hết lỗi cho Moskva về sự sụp đổ của INF.

Hiệp ước này được các nhà lãnh đạo hai nước ký kết năm 1987, theo đó cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục