Nga không muốn chạy đua vũ trang nhưng phải tự phòng vệ

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng Moskva phải đảm bảo an ninh của mình.
Nga không muốn chạy đua vũ trang nhưng phải tự phòng vệ ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 20/6/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng Moskva phải đảm bảo an ninh của mình. Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra khi trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera của Italy số ra ngày 4/7.

Theo nội dung cuộc phỏng vấn đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Putin cho rằng Mỹ có ngân sách quốc phòng hơn 700 tỷ USD so với ngân sách quốc phòng của Nga chỉ khoảng 48 tỷ USD. Tổng thống Putin nêu rõ: "Đó là lý do tại sao chúng tôi rất khó phát triển các vũ khí và khí tài tiên tiến để đáp trả với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng và các hành động tiêu cực rõ ràng của Mỹ."

Ông Putin cho rằng không phải Nga mà chính là Mỹ đã bắt đầu phá vỡ hệ thống an ninh quốc tế bằng hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002 - vốn được coi là "hòn đá tảng" của toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí. Nga đã tiếp cận với Mỹ hơn một lần, khuyến nghị rằng cả hai bên cần giải quyết các vấn đề quan ngại liên quan Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng đã bị Washington từ chối. Mỹ dường như không sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn từ đầu năm 2021 hoặc khả năng soạn thảo chi tiết một thỏa thuận toàn diện mới.

[Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật đình chỉ INF]

Tổng thống Putin cho biết thêm, tháng 10/2018, Nga đã đề nghị Mỹ đưa ra một tuyên bố chung về việc không chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân và thừa nhận những hậu quả tàn phá của nó, nhưng không được Mỹ phản hồi.

Tổng thống Putin khẳng định: "Nga có ý chí chính trị trong thực hiện việc này. Và giờ là lúc Mỹ phải đưa ra quyết định." Ông Putin cũng đã nhắc lại quan điểm đó tại cuộc gặp mới đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Osaka, Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.