Nga, Mỹ hy vọng tiếp tục đàm phán về kiểm soát vũ khí vào cuối tháng 7

Hai bên thảo luận về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, trong đó có vấn đề gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) và duy trì ổn định.
Nga, Mỹ hy vọng tiếp tục đàm phán về kiểm soát vũ khí vào cuối tháng 7 ảnh 1Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea tới dự cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân giữa Mỹ-Nga tại Vienna, Áo, ngày 22/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đàm phán Nga-Mỹ về ổn định chiến lược kéo đã kết thúc tại Vienna (Áo) ngày 22/6 sau 10 giờ đàm phán.

Trường phái đoàn Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov trong khi đứng đầu phái đoàn Mỹ là Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/6 cho biết hai bên thảo luận về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, trong đó có vấn đề gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) và duy trì ổn định trong bối cảnh chấm dứt Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung cũng như các vấn đề an ninh quốc tế.

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ đánh giá tích cực vòng đàm phán đầu tiên khi nhấn mạnh: "Vòng đàm phán đầu tiên tại Vienna rất xây dựng. Hai bên thảo luận chi tiết một loạt vấn đề về vũ khí hạt nhân và đạt thỏa thuận về vòng đàm phán thứ hai."

[Hội nghị về tương lai Hiệp ước Bầu trời mở diễn ra vào ngày 6/7 tới]

Ông Billingslea cho biết ông và đại diện bên phía Nga nhất trí thành lập nhiều nhóm công tác kỹ thuật và cuộc gặp thứ hai có thể diễn ra vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám cũng tại Vienna tùy thuộc vào tiến bộ của các nhóm này.

Ông Billingslea nhấn mạnh Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START Mới, tên gọi không chính thức là START 3) cần phải đề cập đến tất cả vũ khí hạt nhân, chứ không chỉ vũ khí hạt nhân chiến lược.

Cũng liên quan đến cuộc đàm phán này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov cho biết sẽ là không thực tế nếu hy vọng Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí giữa Moskva và Washington.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược ký giữa Nga và Mỹ năm 2010 và có hiệu lực 10 năm, đến ngày 5/2/2021. Hiệp ước có thể gia hạn năm năm nếu hai bên đồng ý. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận thay thế START Mới.

Trung Quốc, quốc gia được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân, nhiều lần bác bỏ đề nghị này của ông Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.