Nga-Mỹ tham vấn về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí

Nga muốn ưu tiên thời gian thảo luận về vấn đề gia hạn START 3, vốn sẽ hết hiệu lực đầu năm 2021, tuy nhiên Mỹ cho rằng đề tài này chỉ nên chiếm thời lượng hạn chế trong cuộc tham vấn.

Theo hãng tin Nga TASS, ngày 17/7, tại Geneva (Thụy Sĩ) đã diễn ra cuộc tham vấn giữa các quan chức ngoại giao cấp cao Nga và Mỹ về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.

Theo kế hoạch, cuộc tham vấn diễn ra trong vòng 2 ngày 17-18/7 tại trụ sở Cơ quan đại diện thường trực Nga bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva.

Tham dự cuộc gặp về phía Nga có Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov, trưởng đoàn phía Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan, cùng Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson.

Cuộc tham vấn được tiến hành theo tinh thần chung đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng Sáu vừa qua tại Osaka, Nhật Bản.

[Nga kỳ vọng vào xung lực mới cho đối thoại song phương với Mỹ]

Trước thềm cuộc tham vấn, các bên đã nêu đề tài thảo luận. Theo đó, Moskva muốn ưu tiên thời gian thảo luận về vấn đề gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START 3), vốn sẽ hết hiệu lực đầu năm 2021.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng đề tài này chỉ nên chiếm thời lượng hạn chế và mong muốn thảo luận với các đồng nghiệp Nga về khả năng ký kết thỏa thuận ba bên về kiểm soát vũ khí hạt nhân với sự tham gia của Trung Quốc.

Về vấn đề này, ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hoan nghênh Nga-Mỹ tiến hành đối thoại chiến lược.

Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc không có ý định thảo luận về thỏa thuận ba bên liên quan tới vũ khí hạt nhân với Nga và Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô từ năm 1987, dẫn tới Nga cũng đình chỉ thực thi thỏa thuận này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ và Nga cần đàm phán về một cơ chế kiểm soát vũ khí mới với sự tham gia của cả Trung Quốc.

Theo ông Trump, Trung Quốc, vốn không tham gia INF, đang giành được lợi thế quân sự đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách phát triển các tên lửa có phạm vi vượt quá giới hạn của hiệp ước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục