Nga sẽ theo dõi các bước đi thực tế của Mỹ sau khi Washington tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký hồi năm 1987 với Moskva, và sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để duy trì thỏa thuận này.
Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev ngày 22/11.
Theo ông Kosachev, hiện có quan điểm là tìm cách duy trì thỏa thuận này ít nhất theo cơ chế song phương, còn rộng hơn là tìm kiếm quy chế đa phương cho thảo thuận.
[Nga cảnh báo có thể triển khai tên lửa trên lãnh thổ đồng minh]
Nghị sỹ Nga nhấn mạnh những phản ứng đầu tiên sau khi Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi INF cho thấy có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế khi nhiều nước phản đối chính sách của Mỹ.
Nga sẽ làm việc với tất cả các bên sẵn sàng phối hợp với Nga để duy trì thỏa thuận này, bởi đây là vấn đề quan trọng không chỉ liên quan tới Moskva.
Ông Kosachev nêu rõ nếu Mỹ rút khỏi INF, Washington sẽ triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện bị cấm theo INF gần biên giới Nga, kể cả ở phía Tây, phía Đông, ở phần lục địa châu Âu hay châu Á, và trong trường hợp xảy ra xung đột, các tên lửa này của Mỹ sẽ là mục tiêu của Nga.
Ông Kosachev nêu rõ trong trường hợp này, sẽ có 2 phương án đối phó. Phương án một là Nga sẽ sử dụng vũ khí của mình tấn công tên lửa của Mỹ triển khai sát biên giới Nga.
Phương án thứ hai, là Nga sẽ triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tương tự, có thể trên lãnh thổ Nga, ở gần các nước láng giềng hơn và "nếu cần thiết, trên lãnh thổ các đồng minh của Moskva."
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga khẳng định những phương án này chỉ là giả thiết và Moskva vẫn hy vọng INF có thể được duy trì.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Washington có ý định rút khỏi INF và cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong văn kiện này.
Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).
Nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan đến INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin, cho rằng việc phương Tây cáo buộc Nga quân sự hóa biển Azov là một "chuyện bịa đặt," Moskva không có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực này, đồng thời khẳng định với sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine đang tăng cường một nhóm quân sự tại đây.
Trả lời phỏng vấn tờ Thương gia, Thứ trưởng Karasin nhấn mạnh các lực lượng vũ trang Nga được huy động tới đây chỉ để bảo vệ cầu Crimea do có mối đe dọa khủng bố.
Biên phòng Nga chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại lưu vực Azov-Kerch nên được trang bị khá đầy đủ sức mạnh và phương tiện để thực hiện nhiệm vụ được giao, chứ không có việc thành lập căn cứ hải quân tại đây.
Theo ông Karasin, trái lại, Ukraine với sự giúp đỡ của Mỹ đang có những hành động quân sự hóa biển Azov như tăng cường nhóm hải quân, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự...
Tình hình vận chuyển hàng hải ở biển Azov trở nên căng thẳng từ đầu năm.
Vào tháng Ba, Ukraine đã bắt giữ tàu đánh cá Nord với 10 ngư dân Nga trên tàu. Sau đó, tàu Pogodin của Nga cũng bị Ukraine bắt giữ tại cảng Kherson vào tháng Tám.
Moskva xem hành động của Kiev là "khủng bố hàng hải" và phản ứng bằng cách tăng cường kiểm tra biên giới bên phía lãnh thổ của mình trên biển Azov./.