Ngày 7/10, Nga bày tỏ hy vọng chiến dịch chống khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch tiến hành ở miền Bắc Syria sẽ không gây phương hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Điện Kremlin biết cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của Syria là nhằm tìm kiếm giải pháp cho Syria và các vấn đề khác. Chúng tôi hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuân thủ nguyên tắc này trong mọi trường hợp."
Ông Peskov cho biết Điện Kremlin đã kêu gọi tất cả các lực lượng ở Syria tránh những hành động có thể cản trở cho giải pháp tại Syria. Moskva thừa nhận rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nhằm đảm bảo an ninh của chính nước này, trong đó có chiến đấu chống các phần tử khủng bố đang ẩn náu tại Syria.
Cùng ngày, Pháp kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tránh bất kỳ hành động nào có thể gây phương hại cho cuộc chiến của liên quân chống các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria sau khi Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi miền Bắc Syria.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho rằng các phần tử khủng bố bị bắt giữ tại miền Đông Bắc Syria, trong đó có những người nước ngoài, sẽ bị đưa ra xét xử tại nơi các phần tử này phạm tội.
Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn phản đối kêu gọi của Mỹ đề nghị các nước châu Âu tiếp nhận lại các công dân từng tham chiến cho IS tại Syria và hiện đang bị giam giữ tại quốc gia Trung Đông này.
Lời kêu gọi của Pháp được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động các lực lượng tăng cường tới biên giới với Syria trong những tuần gần đây và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 6/10 cho biết cuộc tấn công trên có thể "xảy ra vào bất kỳ đêm nào mà không có cảnh báo."
Các tuyên bố cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Mỹ đang đẩy mạnh rút quân dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ không can dự hay hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào các tay súng người Kurd tại Syria. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tập hợp người Kurd ở Syria - cho rằng việc Mỹ rút quân nói trên đe dọa tạo ra một khoảng trống an ninh và sẽ đảo ngược nỗ lực hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.
Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ ở phía Đông sông Euphrates tại Syria, nơi Ankara và Washington chưa thành lập được "vùng an toàn" như kế hoạch./.