Các nguồn tin ngoại giao ngày 14/9 cho biết Nga đã phủ quyết một văn kiện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc gia hạn thêm một năm đối với Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL).
Điều này đe dọa tính thống nhất quốc tế trước thềm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Bắc Phi này dự kiến vào ngày 24/12 tới.
Theo nguồn tin, Nga - quốc gia có quyền phủ quyết, đã không chấp thuận nội dung trong nghị quyết do Anh soạn thảo về việc rút các binh sỹ nước ngoài và lực lượng lính đánh thuê khỏi Libya cũng như vai trò của UNSMIL.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Libya, Moskva nhấn mạnh bất kỳ việc rút binh sỹ nước ngoài nào cũng cần được xử lý để không gây phương hại tới cán cân quyền lực ở nước này.
Một nhà ngoại giao đề nghị giấu tên cho biết sứ mệnh của phái bộ Liên hợp quốc sẽ hết hạn vào cuối ngày 15/9, và Hội đồng Bảo an đã lên kế hoạch bỏ phiếu vào sáng cùng ngày về việc "gia hạn kỹ thuật" cơ bản cho đến cuối tháng này để "giải quyết các vấn đề."
Phái đoàn ngoại giao Nga tại Liên hợp quốc từ chối bình luận, đồng thời nói rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Trong một báo cáo gần đây, Liên hợp quốc cũng khuyến nghị chỉ cử một đại diện ngoại giao của tổ chức này phụ trách sứ mệnh của UNSMIL.
[Ngoại trưởng Libya kêu gọi Nga giúp thống nhất thể chế quân sự]
Trước đó, vào năm 2020, Mỹ đã áp đặt hình thức hai lãnh đạo đối với UNSMIL - đi ngược lại khuyến nghị của 14 thành viên khác thuộc Hội đồng Bảo an, gồm một đặc phái viên Liên hợp quốc tại Geneva, nhà ngoại giao người Slovakia Jan Kubis, và một điều phối viên UNSMIL tại thủ đô Tripoli của Libya, nhà ngoại giao người Zimbabwe Raisedon Zenenga. Cho đến nay, Liên hợp quốc vẫn bảo lưu khuyến nghị chỉ duy trì một đặc phái viên tại Tripoli.
Ai Cập tiếp tục phối hợp với Libya đến khi tổ chức bầu cử
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi khẳng định quốc gia Bắc Phi này sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả các đảng phái Libya để giúp đảm bảo sự thống nhất thể chế quốc gia Libya và tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
Phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh và Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Tướng Khalifa Haftar, nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết của việc rút tất cả lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê khỏi Libya, cũng như ngăn ngừa sự can thiệp từ bên ngoài nhằm mục tiêu thực thi các chương trình nghị sự đáp ứng nguyện vọng của người dân Libya.
Về phần mình, ông Saleh và ông Haftar đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Ai Cập để hỗ trợ người dân Libya trong thời kỳ chuyển tiếp, cũng như đóng góp của quốc gia này trong việc thống nhất quân đội Libya.
Hai quan chức Libya khẳng định nhất trí với tầm nhìn của Ai Cập trong quản lý giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt là sự cần thiết của việc tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trước cuối năm nay, cũng như củng cố an ninh quốc gia và rút toàn bộ lính đánh thuê và quân đội nước ngoài khỏi Libya.
Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ. Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn.
Tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Một chính phủ lâm thời thống nhất đã được thành lập vào tháng Ba năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, việc các bên vẫn chưa thể thống nhất cơ sở xây dựng hiến pháp sau nhiều vòng đàm phán đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng tổ chức bầu cử vào cuối năm nay./.