Nga quan ngại ý định hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga ho biết trong báo cáo an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ có những tuyên bố chống Nga vô căn cứ và luận điểm về việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân khiến Nga quan ngại.
Nga quan ngại ý định hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Commons)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova ngày 26/10 cho biết trong báo cáo an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ có những tuyên bố chống Nga vô căn cứ và luận điểm về việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân khiến Nga quan ngại.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bà Zakharova cho biết trong báo cáo “An ninh quốc tế trong không gian mạng: Mô hình mới để giảm rủi ro” do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 20/10 vừa qua, Mỹ đã đề cập đến việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Bà Zakharova cũng cho rằng đây không phải lần đầu tiên Mỹ có ý định này.

Ngay cả bản sửa đổi học thuyết hạt nhân của Mỹ bị rò rỉ trên truyền thông cũng cho thấy chính quyền Washington dự định "sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại các hành động thù địch trong lĩnh vực thông tin". Bà Zakharova nhấn mạnh Nga lo ngại những điều chỉnh như vậy về cách tiếp cận của Mỹ trong lĩnh vực quân sự-hạt nhân.

Liên quan đến vấn đề an ninh mạng, bà Zakharova cho biết báo cáo trên vẫn lặp lại những cáo buộc vô căn cứ nhằm chống lại Nga mà Moskva luôn bác bỏ. Theo bà, trên thực tế, các phương pháp tiếp cận trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Nga không có điểm chung nào với cách mà Mỹ đang thực hiện. Bà Zakharova nhắc lại đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó kêu gọi Mỹ bắt đầu một cuộc thảo luận chuyên nghiệp mang tính xây dựng về tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh thông tin quốc tế.

[Tổng thống Putin: New START đổ vỡ không gây tổn hại tới an ninh Nga]

Trước đó, ngày 25/9, Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận Nga-Mỹ nhằm ngăn chặn các sự cố trong không gian mạng. Ông nhấn mạnh cả Nga và Mỹ phải đảm bảo rằng hai bên sẽ không can thiệp vào tình hình của nhau, bao gồm cả các cuộc bầu cử, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vào đầu tháng 11 tới.

Quan hệ Nga-Mỹ vốn được kỳ vọng có thể được cải thiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong khi Moskva kiên quyết bác bỏ.

Quan hệ song phương tiếp tục gia tăng căng thẳng khi trong thời gian qua, Mỹ đã đơn phương rút khỏi một số thỏa thuận quan trọng với Nga như Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước Bầu trời mở và hiện vẫn chưa thể hiện ý định rõ ràng về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) dù thời hạn thỏa thuận này hết hiệu lực vào tháng 2/2021 đang đến gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.