Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã gặp vấn đề trong nhiều năm, do đó việc Nga rút khỏi hiệp ước này không khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: Tass)

Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) đã đi ngược lại với những lợi ích an ninh của Nga trong bối cảnh diễn biến thế giới hiện nay.

Theo hãng tin TASS của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã đưa ra tuyên bố trên khi trả lời phỏng vấn báo Parlamentskaya Gezeta ngày 15/5.

Theo ông Ryabkov, Hiệp ước CFE đã gặp vấn đề trong nhiều năm, do đó việc Nga rút khỏi hiệp ước này không thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Ông cho biết thêm tình hình hiện tại cũng không thuận lợi để đưa ra những ý tưởng mới cho một giải pháp thay thế cho hiệp ước CFE.

[Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic]

Ông cho rằng thế giới trong thời gian tới sẽ hoàn toàn khác so với thế giới những năm 1990 hoặc 1999 và điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát vũ khí.

Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa 2 khối.

CFE quy định giới hạn trong việc triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra.

Nga từ lâu đã lập luận rằng việc NATO mở rộng thành viên (bao gồm các thành viên cũ của Tổ chức Hiệp ước Warsaw) đang phá hoại CFE.

Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE với lý do các thành viên mới của NATO không tuân thủ các giới hạn được quy định trong hiệp ước nhưng vẫn tham gia các cuộc họp của nhóm cố vấn chung.

Năm 2015, Moskva đã rút hoàn toàn khỏi các cơ chế CFE vì “không có nhu cầu tiếp tục tham gia” và chỉ tham gia theo nghĩa hình thức cho đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.