Nga sẽ đáp trả việc EU dùng tài sản bị đóng băng của nước này hỗ trợ Ukraine

Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt việc Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Một cây cầu bị phá hủy trong xung đột tại thành phố Irpin, Ukraine, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cây cầu bị phá hủy trong xung đột tại thành phố Irpin, Ukraine, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Leonid Slutsky ngày 21/5 khẳng định Moskva sẽ đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng số tiền thu được từ tài sản đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ cho Ukraine.

Trên ứng dụng tin nhắn Telegram, ông Leonid Slutsky nhấn mạnh Nga đương nhiên sẽ đáp trả EU. Ông Slutsky nhấn mạnh EU đã hủy bỏ quyền sở hữu tư nhân của phương Tây và cũng đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Đợt rút lợi nhuận đầu tiên từ tài sản của Nga bị đóng băng ở EU sẽ diễn ra vào tháng 7 và trong tương lai sẽ được tiến hành 2 lần mỗi năm.

EU phải trải qua quá trình tranh luận kéo dài trước khi đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên về cho phép sử dụng các khoản lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine. Một số quốc gia tỏ ra lo ngại trước việc sử dụng tiền thu được cho mục đích quân sự.

Slovakia và Hungary bày tỏ dè dặt trước khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, trong khi Cộng hòa Séc ủng hộ việc sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu để hỗ trợ và tái thiết Ukraine.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ Vương quốc Bỉ giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, EU đã thông qua được đề xuất mang tính thỏa hiệp trong vấn đề này.

Theo kế hoạch của EU, lợi nhuận hàng năm của các tài sản này dự kiến từ 2,5-3 tỷ euro và 90% số tiền thu về sẽ được sử dụng để mua vũ khí cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), 10% còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.

Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt việc Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết số tài sản đó đang được nắm giữ ở EU.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về những hậu quả nghiêm trọng nếu các nước này sử dụng tài sản của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.