Trong một bức thư gửi tới Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich và một số quan chức khác vào ngày 13/1, Hiệp hội quốc gia các nhà xuất khẩu nông sản Nga (NAEAP) đã phàn nàn rằng, kể từ đầu năm 2015, Nga đã gia tăng những hạn chế không chính thức đối với việc xuất khẩu ngũ cốc, và hoạt động này đã làm phức tạp thêm hoạt động giao dịch, thậm chí đôi lúc làm giao dịch ngưng trệ, trước khi chính thức áp dụng thuế xuất khẩu mới.
Moskva đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu từ tháng 12 năm ngoái và sau đó thông báo bắt đầu áp thuế xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 1/2 tới.
Hiệp hội trên, kiểm soát tới hơn 75% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga, đã yêu cầu chính phủ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đáp ứng được các hợp đồng trước khi thuế xuất khẩu được áp dụng.
Theo ông Dmitry Rylko, lãnh đạo công ty tư vấn nông nghiệp IKAR, việc áp thuế xuất khẩu sẽ khiến ngũ cốc của Nga trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Với dự kiến sẽ là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới trong năm nay, Nga hy vọng việc hạn chế xuất khẩu sẽ giúp làm dịu giá ngũ cốc trong nước và kiềm chế lạm phát giá lương thực, thực phẩm đang phi mã trong bối cảnh nước Nga đang phải đối phó cuộc khủng hoảng tài chính do giá dầu sụt giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga cũng hy vọng việc hạn chế lần này sẽ giúp Bộ Nông nghiệp nước này đỡ tốn kém hơn trong việc bổ sung ngũ cốc vào các kho dự trữ.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Nga vẫn còn lâu mới đạt được mục tiêu mua dự trữ 3,5 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2014/15 (bắt đầu từ 1/7/2014-30/6/2015), do giá thu mua của Bộ này thấp hơn giá thị trường.
Cho đến nay, Bộ trên mới mua được 308.860 tấn ngũ cốc, trong đó có cả 8.505 tấn vừa được mua vào ngày 13/1 vừa qua.
Kể từ năm 2008, Nga đã ba lần ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và trước lần hạn chế này, Nga đã xuất khẩu một lượng ngũ cốc cao kỷ lục nhờ được mùa.
Những khách hàng chủ yếu của Nga gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ai Cập./.