Nga tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo đại học với Việt Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2021 ở Vladivostosk, Viện Công nghệ Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký biên bản hợp tác với Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass.
Nga tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo đại học với Việt Nam ảnh 1Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Ảnh minh họa. (Nguồn: studyrussian.com)

Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Vladivostosk, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) 2021 đang diễn ra tại đảo Russkyi ở thành phố Vladitvostosk (Liên bang Nga), đã diễn ra phiên thảo luận “Một thập kỷ Hội nghị Quốc tế về Giáo dục APEC: Thành tựu và Triển vọng” với sự tham gia của nhiều học giả, nhà giáo dục có uy tín, quan chức giáo dục đại học.

Mở đầu cuộc thảo luận, quyền Hiệu trưởng Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) của Nga, ông Alexey Koshel cho biết từ lâu Nga đã có xu hướng xoay trục sang phương Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển vùng Viễn Đông của Nga, và điều này không thể thực hiện nếu không hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Koshel cũng nêu vấn đề khó khăn của giáo dục đại học hiện nay là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và phải chuyển một phần sang đào tạo trực tuyến.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Valery Falkov cho rằng vấn đề lớn nhất của giáo dục đại học hiện nay là việc chuyển đổi do những hạn chế gây ra bởi COVID-19.

Ông Falkov cho rằng giáo dục đại học hiện nay cần thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, song việc chuyển hoàn toàn sang đào tạo trực tuyến là không thể , do đó dẫn tới giảm đáng kể chất lượng đào tạo. Ông cho rằng hoạt động đào tạo từ xa cần được áp dụng hợp lý và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

[Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục]

Về phần mình, ông Evgeny Primakov - Giám đốc Cơ quan Liên bang Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Đồng bào sống ở nước ngoài và Hợp tác Nhân đạo Quốc tế (Rossotrudnichestvo) cho biết giáo dục đại học Nga có sức hút đáng kể với sinh viên nước ngoài.

Những ngành học được sinh viên nước ngoài quan tâm là văn hóa Nga, các môn khoa học như toán-lý, công nghệ sinh học, lập trình, y học.

Theo ông Primakov, một lượng lớn suất đại học hằng năm được Nga cấp cho sinh viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2020 có hơn 5.000 sinh viên nước ngoài làm đơn xin học các trường đại học của Nga, trong số này hơn 2.700 sinh viên đã được chấp thuận.

Rossotrudnichestvo muốn tăng lượng lưu học sinh của các nước tích cực theo học đại học ở Nga và trong danh sách các nước này có Việt Nam, với số lượng 1.204 lưu học sinh được chấp thuận năm 2020, Trung Quốc, Colombia, Indonesia, Ecuador (439 lưu học sinh).

Ông Primakov cũng cho rằng do xu hướng xoay trục sang phương Đông của Nga, khu vực Viễn Đông sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong hợp tác giáo dục giữa Nga với các nền kinh tế APEC.

Trả lời phòng vấn của phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, ông Evgeni Vlasov, Phó Phó Hiệu trưởng Phụ trách Quan hệ Quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) cho biết: “Điểm đặc biệt của Diễn đàn lần này là bất chấp đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn có thể tổ chức diễn đàn và phần lớn các đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến."

Các chủ đề chính gồm phát triển kinh tế-xã hội cả trên khía cạnh quốc tế cũng như khu vực, trong đó có việc phát triển khu vực Viễn Đông của Nga và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Vlasov, sự quan tâm lớn được dành cho chủ đề chúng ta đã khôi phục cuộc sống mới hậu COVID-19 như thế nào, thiết lập các điều kiện kinh tế thuận lợi và quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Đề cập đến đường hướng thúc đẩy hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương về giáo dục và đào tạo, ông Vlasov cho biết kể từ khi thành lập năm 1899, FEFU đã được xem là trường Đại học phương Đông, và việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xoay trục sang phương Đông chính là nội dung chức năng của FEFU.

Ông nói: “Chúng tôi là trung tâm đào tạo thực sự các nhà Đông phương học, vì việc xoay trục sang phương Đông không thể thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực này. Và cũng cần lưu ý rằng FEFU là một trong những đại học hàng đầu của Nga đào tạo các nhà Việt Nam học.”

Ông khẳng định: “Các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh dược và y học nói chung, bảo vệ con người, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ là tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Nga.”

Bên lề EEF 2021, ngày 3/9 cũng diễn ra buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo các tổ chức giáo dục và khoa học tỉnh Kemerovo-Kuzbass với Việt Nam trong khuôn khổ phái đoàn Kuzbass đang tham dự diễn đàn này.

Các đại diện đã nghe các báo cáo về đường hướng hợp tác về khoa học, giáo dục và đào tạo của Trung tâm khoa học và giáo dục Kuzbass, Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass, Đại học Văn hóa Quốc gia Kemerovo, Học viện Nông nghiệp Quốc gia Kuzbass, Đại học Công nghiệp Quốc gia Siberia với Viện Công nghệ nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại sự kiện này, Viện Công nghệ Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Biên bản hợp tác với Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục