Nga-Thổ-Mỹ: Sự thay đổi kiến tạo trong địa chính trị toàn cầu

Financial Times bình luận Washington đã rơi vào “lạnh giá” khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, một dấu hiệu của sự thay đổi mang tính kiến tạo trong liên kết địa chính trị toàn cầu.
Máy bay chiến đấu F-35 cất cánh từ căn cứ quân sự ở Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu F-35 cất cánh từ căn cứ quân sự ở Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Financial Times và News Week, trục quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ-Nga đã biến động lớn sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga dẫn đến việc Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ đình chỉ việc Ankara tham gia chương trình sản xuất F-35 của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trang mạng của Financial Times ngày 19/7 bình luận Washington đã rơi vào “lạnh giá” khi Ankara và Moskva “ấp ôm” nhau chặt hơn, một dấu hiệu của sự thay đổi mang tính kiến tạo trong liên kết địa chính trị toàn cầu.

Trong khi đó, trang mạng News Week ngày 18/7 nhận định sự xích lại gần nhau giữa Ankara và Moskva sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi Nga đề xuất bán cho Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu cơ Su-35.

Sự chuyển dịch kiến tạo trong liên kết địa chính trị

Financial Times dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan miêu tả thương vụ S-400 từ Nga là “sự can dự có ý nghĩa nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ." Sự táo bạo của thương vụ này, khi một thành viên cốt yếu của NATO mua thiết bị quốc phòng từ một đối địch của các nước phương Tây - đã củng cố sự thay đổi ngoạn mục từ chỉ ba năm trước đây, khi mối quan hệ của Ankara với Moskva đổ vỡ sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.

Sự thay đổi này một phần là do sự xuất hiện của mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với sự gia tăng căng thẳng không kém phần nghiêm trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Erdogan.

Chính sự lạnh nhạt trong mối quan hệ với Washington lâu nay đã thôi thúc Erdogan tìm kiếm những mối quan hệ đồng minh mới. Và giờ thì thương vụ S-400 có nguy cơ đẩy quan hệ Washington-Ankara xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.

“Sự thay đổi này hết sức bất ngờ và lạ thường. Người thắng cuộc không phải là Ankara, cũng không phải là Washington mà lại là Moskva," chuyên gia Sinan Ulgen, Giám đốc cơ quan nghiên cứu Edam có trụ sở ở Istanbul nhận định.

Trước đây, Nga vốn bị coi là một trong những kẻ thù truyền kiếp đáng gờm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ hẳn không thể quên những thất bại cay đắng trước người Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một lực lượng ở sườn Đông của NATO chống lại Moskva. Mặc dù vậy, Erdogan và Putin lại là hai nhà độc tài có cùng điểm chung khi cùng không tin tưởng ở phương Tây.

Kể từ tháng 6/2016, hai lãnh đạo này đã có ít nhất 23 cuộc gặp và 52 cuộc điện đàm. Hai ông cũng thắt chặt hợp tác về tình hình Syria, mặc dù Moskva và Ankara “dị mộng” về quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.

[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghiên cứu khả năng mua tiêm kích Su-35 của Nga]

Giới phân tích cho rằng sự xích lại gần nhau này một phần được thúc đẩy bởi nỗi đau kinh tế mà Putin bắt Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu sau khi sự cố bắn hạ máy bay Nga và việc Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung dầu khí của Nga.

Ngoài ra, sự xích lại gần này cũng liên quan đến việc Ankara thay đổi các ưu tiên của mình ở Syria. Khi sự tin cậy của Ankara đối với Washington bị hủy hoại do Mỹ chống lưng cho các tay súng người Kurd vốn bị Ankara coi là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia thì Nga lại “bật đèn xanh” để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các tay súng người Kurd ở Syria.

Tiếp đó, Ankara cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đã trở nên mờ nhạt sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7/2016. Việc giáo sỹ Fethullah Gulen - người mà Ankara cáo buộc là chỉ huy cuộc đảo chính, sống lưu vong ở Mỹ đã “đổ thêm dầu” vào mối nghi ngờ rằng Washington đứng sau sự việc này.

Thêm vào đó, Putin lại là một trong giới lãnh đạo quốc tế điện đàm với Erdogan. Và chỉ trong vòng vài tháng, tin tức công khai về việc Putin và Erdogan đang thảo luận một kế hoạch cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn lâu nay tìm cách mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Nga-Thổ-Mỹ: Sự thay đổi kiến tạo trong địa chính trị toàn cầu ảnh 1Máy bay vận tải quân sự Antonov của Nga chở một số thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thương vụ này đã đặt ra những nghi ngại lớn về vai trò tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Ankara vẫn khẳng định mong muốn là một thành viên tích cực của liên minh quân sự này. Thế nhưng, giới chức Mỹ lo ngại về khả năng phối kết hợp với Ankara trong tương lai khi nước này đã bị gạt ra khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ F-35 của NATO.

Ông Konstantin Makienko - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một cơ quan nghiên cứu quốc phòng của Nga, cho rằng thương vụ S-400 đã “vượt xa phạm vi cuộc cách mạng trong thị trường vũ khí."

Viết cho nhật báo Nezavisimaya Gazeta, chuyên gia này bình luận: “Đây là dấu hiệu của một sự thay đổi mang tính kiến tạo trong sự chuyển dịch về liên kết địa chính trị toàn cầu."

Mỹ “lạnh”, Nga “ấp” Ankara chặt hơn

Sau khi Lầu Năm Góc quyết định “hất” Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35, giới chức Nga đã nhanh chóng đáp lại khi đưa ra đề nghị với Ankara về việc mua siêu tiêm kích chiến đấu Su-35, vốn được mệnh danh là “sát thủ bầu trời."

Ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Rostec nói với báo giới hôm 18/7 rằng: “Nếu các cộng sự Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn thì chúng tôi sẵn sàng thảo luận việc bán chiến đấu cơ Su-35."

Theo nhà chế tạo Sukhoi, Su-35 là phiên bản cải tiến của Su-27 thuộc thế hệ thứ tư và là một chiến đấu cơ đa nhiệm, siêu cơ động và đã được “thử lửa” trong các chiến dịch ở Syria.

Hiện chưa rõ liệu Ankara có đáp lại lời đề nghị trên của Moskva hay không, song Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/7 đã đáp trả Trump khi cho rằng việc đình chỉ sự tham gia của nước này vào chương trình F-35 là “không công bằng” và đi ngược lại “tinh thần của liên minh."

Bộ này cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đình chỉ nói trên vốn sẽ gây ra những tổn thương không thể hàn gắn được trong mối quan hệ chiến lược của hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.