Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine khiêu khích vụ đụng độ ở Eo biển Kerch

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine cố tình khiêu khích vụ đụng độ ở Eo biển Kerch gần bán đảo Crimea một ngày trước đó, nhằm tạo ra cái cớ để Moskva hứng chịu đòn trừng phạt mới.
Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine khiêu khích vụ đụng độ ở Eo biển Kerch ảnh 1Nga điều một tàu chở hàng lớn bên dưới Cầu Crimea, chặn lối đi duy nhất vào Biển Azov. (Nguồn: AP)


AFP đưa tin, ngày 26/11, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine cố tình khiêu khích vụ đụng độ ở Eo biển Kerch gần bán đảo Crimea một ngày trước đó, nhằm tạo ra cái cớ để Moskva hứng chịu đòn trừng phạt mới.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, Moskva sẽ đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ âm mưu nào làm suy yếu chủ quyền và an ninh của nước này.

Cùng ngày, phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga đã hành động đúng theo luật pháp quốc tế trong vụ đụng độ hồi cuối tuần qua giữa các tàu hải quân của Nga và Ukraine ở Eo biển Kerch.

Ông còn cáo buộc tàu Ukraine xâm nhập trái phép vùng biển thuộc lãnh thổ của Nga và không hợp tác với lực lượng tuần tra biên giới của Moskva.

[Liên minh châu Âu kêu gọi Nga thả các tàu hải quân của Ukraine]

Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố, Ukraine bảo lưu quyền tự vệ trước Nga, cũng như không loại trừ khả năng Moskva tiến hành thêm nhiều hành động khiêu khích trên biển hoặc trên bộ.

Về phía châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chỉ trích Nga "sử dụng vũ lực" trong vụ đụng độ với tàu hải quân Ukraine ngoài khơi bán đảo Crimea, đồng thời cam kết châu Âu ủng hộ Kiev trong căng thẳng mới nhất này.

Trên tài khoản Twitter, ông Tusk nêu rõ: "Tôi lên án Nga sử dụng vũ lực trên Biển Azov. Giới chức Nga cần bàn giao lại thủy thủ, tàu cho Ukraine và kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích hơn nữa. Châu Âu sẽ đoàn kết một lòng ủng hộ Ukraine"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.