Nga tiếp tục kêu gọi đàm phán về tương lai của Hiệp ước INF

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga và các nước châu Âu đều lo ngại về tương lai không rõ ràng của INF và đó là lý do cần quay trở lại đàm phán về vấn đề này.
Nga tiếp tục kêu gọi đàm phán về tương lai của Hiệp ước INF ảnh 1Quang cảnh Điện Kremlin tại Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga và các nước châu Âu đều lo ngại về tương lai không rõ ràng của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Trả lời phỏng vấn đài Rossiya 1, ông Peskov cho biết Nga cũng như các nước châu Âu đều quan ngại về tình hình liên quan đến các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong bối cảnh số phận của INF cũng như các loại tên lửa này vẫn chưa rõ ràng.

Ông Peskov nhấn mạnh đây là lý do cần quay trở lại đàm phán về vấn đề này.

Ông Peskov cũng cho biết hiện vẫn chưa có "thỏa thuận chắc chắn" nào về một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra ở Buenos Aires (Argentina) vào cuối tháng 11 này.

Cùng ngày trước đó, phát biểu trên kênh RT France, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva muốn khôi phục đối thoại đầy đủ với Washington về INF.

[Tổng thống Nga Putin tuyên bố muốn đối thoại với Mỹ về INF]

Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Moskva vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.

Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500km).

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước này sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.