Nga công bố hình ảnh tư liệu hiếm hoi về vụ thử Bom Sa hoàng

Nga tiết lộ sức mạnh hủy diệt của Bom Sa hoàng thời Liên Xô

Mang biệt danh Bom Sa hoàng (Tsar Bomba), quả bom do Liên Xô chế tạo có sức công phá gấp hàng nghìn lần hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Nga tiết lộ sức mạnh hủy diệt của Bom Sa hoàng thời Liên Xô ảnh 1Đám mây hình nấm khổng lồ của Bom Sa hoàng. (Ảnh: Pinterest)

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga vừa công bố những hình ảnh tư liệu hiếm hoi từ năm 1961 về vụ thử loại bom nguyên tử mang biệt danh Bom Sa hoàng (Tsar Bomba), vũ khí có sức công phá mạnh nhất mà con người từng chế tạo.

Hồi tháng 10/1961, Liên Xô cũ đã tiến hành thử nghiệm một quả bom nguyên tử có sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT. Để dễ hình dung, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945 có sức mạnh tương đương khoảng 16 nghìn tấn TNT, trong khi quả bom thả xuống Nagasaki tương đương 21 nghìn tấn TNT. 

Như vậy, Bom Sa hoàng có sức mạnh gấp khoảng 1.350 lần sức công phá của hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản. Loại bom mạnh nhất mà Mỹ từng chế tạo với tên gọi Castle Bravo cũng chỉ mạnh bằng khoảng 22 triệu tấn TNT.

Một máy bay ném bom Tu-95V với nhiều trang thiết bị đặc biệt đã đảm nhận nhiệm vụ thả bom xuống bãi thử tại Novaya Zemlya. Máy bay thả bom ở trên độ cao hơn 10.000m, sau đó quả bom phát nổ ở cách mặt đất gần 4.000m để giảm phóng xạ ở mức tối thiểu. Quả bom được gắn thêm dù để giảm tốc độ khi rơi xuống, cho phép máy bay có thời gian để đi đến nơi an toàn.

Vụ nổ tạo ra một đám mây khổng lồ cao gần 10.000m và có thể nhìn thấy từ khoảng cách gần 1.000km. Do bom nổ ở trên cao nên không tạo ra nhiều phóng xạ trên mặt đất. Không lâu sau khi vụ nổ xảy ra, các nhà khoa học Liên Xô đã đến bãi thử, trong đó nhiều người đã đi bộ thoải mái mà không cần trang thiết bị bảo hộ.

Nhà lãnh đạo Liên Xô thời đó là Nikita Khrushchev từng khẳng định thiết kế của Bom Sa hoàng cho phép các nhà khoa học có thể tăng sức mạnh gấp đôi. Rất may loại bom này chưa từng được sử dụng trong bất cứ cuộc xung đột nào./.

(Vietnam+)