Nga trang bị thiết bị lặn không người lái cho tàu quét mìn hải quân

Sử dụng các hệ thống quang học, các thiết bị lặn ngầm Marlin-350 có thể phát hiện mục tiêu ở sâu dưới nước, sau đó đặt thuốc nổ chuyên dụng lên đó.
Nga trang bị thiết bị lặn không người lái cho tàu quét mìn hải quân ảnh 1Marlin-350. (Nguồn: JSC Tetis Pro)

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định trang bị cho các tàu quét mìn Hải quân nước này thiết bị lặn ngầm Marlin-350.

Những thiết bị được điều khiển từ xa này sẽ được sử dụng để rà phá mìn.

Theo truyền thông Nga, thiết bị mới sẽ được phiên chế cho các tàu chống mìn của cả 4 hạm đội Hải quân Nga gồm hạm đội phương Bắc, hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội Biển Đen và hạm đội Baltic.

Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua 45 thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa Marlin-350 với chi phí gần 604 triệu ruble (khoảng 8 triệu USD). Những thiết bị như vậy rất hữu dụng trong việc tìm kiếm các vật thể dưới nước và thực hiện các công tác kỹ thuật như rà soát và kiểm tra dưới nước ở độ sâu tới 350m.

Sử dụng các hệ thống quang học, các thiết bị lặn này có thể phát hiện mục tiêu ở sâu dưới nước, sau đó đặt thuốc nổ chuyên dụng lên đó. Đó là một thiết bị khá nhỏ gọn, với chiều dài chưa đến 1m, phương tiện di chuyển dưới nước chỉ nặng 50kg. Nó có thể hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ -20 độ đến 50 độ C. Tốc độ di chuyển của thiết bị là gần 5 km/h, tương đương 2,5 hải lý/h.

[Hải quân Nga nhận 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong 2021]

Quyết định tái trang bị các tàu quét mìn được đưa ra sau chuyến đi thành công của các tàu thuộc Hạm đội Baltic đến Vịnh Phần Lan vào mùa Hè năm ngoái để thực hiện công việc rà phá bom mìn quy mô lớn.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết hai tàu quét mìn của hạm đội Baltic là Alexander Obukhov thuộc đề án 12700 lớp Alexandrite và tàu Leonid Sobolev thuộc đề án 1265 lớp Yakhont với sự hỗ trợ của thiết bị Marlin-350 đã phát hiện và phá hủy khoảng 20 quả mìn thủy lôi neo và mìn thủy lôi đáy cảm biến từ trường.

Những quả thủy lôi này được phát hiện ở gần đảo Hogland. Chúng bị gỉ sét do nước biển ăn mòn nên ở trong tình trạng nguy hiểm khi trục vớt.

Trong Thế chiến 2, quân đội Đức đã bố trí một số bãi mìn dày đặc ở Vịnh Phần Lan để cô lập Hạm đội Baltic ở Kronshtadt và Leningrad. Các thủy thủ Liên Xô đã mở đường xuyên qua và phá hủy được các chướng ngại vật này, nhưng đến nay vẫn còn sót lại mìn trong vịnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.