Đại diện thường trực của Mỹ về Giải trừ quân bị Robert Wood cho biết Mỹ và Nga đã bắt đầu các cuộc tham vấn chiến lược song phương tại Geneva trong ngày 5/10, đồng thời bày tỏ hy vọng về các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về việc thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Wood nêu rõ: “Hôm nay, chúng tôi đã tiến hành phiên thảo luận tiếp theo của Ủy ban tham vấn song phương với Nga tại Geneva. (Chúng tôi) hy vọng có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhằm đảm bảo New START được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch.”
Trước đó, ngày 30/9, Mỹ và Nga tuyên bố hai bên đã tiến hành cuộc thảo luận "chuyên sâu và thực chất" trong khuôn khổ Đối thoại Ổn định Chiến lược vòng 2 nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này.
Tham gia cuộc họp tại Geneva có Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao hai nước cho biết phái đoàn hai nước đã nhất trí thành lập hai nhóm làm việc, trong đó một nhóm sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai.
[Liên hợp quốc hoan nghênh Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước New START]
Theo Thứ trưởng Ryabkov, hai bên đã thảo luận về "toàn bộ các vấn đề" liên quan tới ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí." Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông cho rằng "bất chấp những khác biệt hiện có - và còn rất nhiều - vẫn có một mong muốn và thiện ý thúc đẩy hơn nữa tiến trình này."
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia vốn nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.
New START đã được thực thi từ năm 2011 và vào ngày 3/2 vừa qua, Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn 5 năm hiệp ước New START, đến ngày 5/2/2026./.