Nga và Mỹ làm trung gian trong cuộc gặp giữa hai tổng thống Azerbaijan

Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã có cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan và Armenia nhằm làm dịu bớt căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng liên quan đến cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh.
Nga và Mỹ làm trung gian trong cuộc gặp giữa hai tổng thống Azerbaijan ảnh 1Một ngôi nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh (Nguồn:.AFP/TTXVN)

Ngày 16/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp tại Vienna (Áo) với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian nhằm làm dịu bớt căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng liên quan đến cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh.

Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh giao tranh tiếp tục diễn ra giữa quân đội Azerbaijan và quân đội Armenia tại Nagorny Karabakh bất chấp thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian đạt được hôm 5/4 vừa qua.

Trước đó, chỉ trong bốn ngày giao tranh hồi đầu tháng 4 vừa qua đã có ít nhất 110 người thuộc cả hai phe thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ khi cuộc chiến tranh năm 1994 chấm dứt.

Sau khi có thỏa thuận ngừng bắn, cả hai phía Azerbaijan và Armenia vẫn cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Mới đây nhất, lực lượng Armenia cáo buộc các binh sỹ Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tới 60 lần trong đêm 14/4 bằng việc nã pháo hạng nặng và sử dụng các loại vũ khí tự động dọc vùng chiến tuyến.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng cáo buộc lực lượng vũ trang Armenia đã 132 lần vi phạm ngừng bắn chỉ trong một ngày đêm 13/4, trong đó sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng và súng cối 60mm nã pháo về vị trí của lực lượng vũ trang Azerbaijan.

Giới phân tích cho rằng mục tiêu chính của các nhà hòa giải Nga và Mỹ trong cuộc họp tại Vienna là làm giảm căng thẳng dọc biên giới giữa hai nước nói trên và việc ký kết bất kỳ văn kiện nào hay đạt được bất kỳ thỏa thuận nào rất khó có khả năng xảy ra.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn.

Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.