Nga và NATO lại "khẩu chiến" về tình hình ở Ukraine

Nga và NATO lại "khẩu chiến" về tình hình căng thẳng ở Ukraine

Nga đã chỉ trích Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Tại Tây Dương Jens Stoltenberg vì đã đưa ra những bình luận chống lại Moskva.
Nga và NATO lại "khẩu chiến" về tình hình căng thẳng ở Ukraine ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: breakingdeception.com)

Ngày 17/11, Nga đã chỉ trích Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Tại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vì đã đưa ra những bình luận chống lại Moskva trong thời gian gần đây, đồng thời cho rằng người đứng đầu tổ chức quân sự này lại ủng hộ "những điều bịa đặt vô căn cứ."

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng thay vì tìm kiếm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine, ông Stoltenberg lại tham gia vào nỗ lực tuyên truyền "những điều bịa đặt vô căn cứ" cho rằng lực lượng vũ trang Nga đã vượt qua biên giới vào quốc gia láng giềng Ukraine.

Theo bà Zakharova, những bình luận của ông Stoltengerg càng củng cố lập trường của phe ủng hộ sử dụng giải pháp quân sự tại Ukraine, đồng thời tác động tiêu cực đến tiến trình giải quyết hòa bình vốn mong manh trong cuộc khủng hoảng nội bộ ở quốc gia Đông Âu này.

Trước đó, phát biểu với báo giới Italy ngày 14/11, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này có bằng chứng cho thấy Nga di chuyển đơn vị quân sự đến gần biên giới Ukraine. Ông cũng cho rằng máy bay quân sự Nga đã bay vào không phận châu Âu là mối đe đọa dọa đối với ngành hàng không dân dụng.

Nhà lãnh đạo NATO cũng thừa nhận sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của khối này ở Đông Âu, song cho rằng điều này là cần thiết để ngăn cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong khi đó, Nga luôn khẳng định rằng đây là một sự biện hộ và những hành động này là nhằm chống lại Nga.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và từ tháng 4/2014, NATO đã chấm dứt mọi sự hợp tác với Nga và hai bên hiện chỉ còn duy trì liên lạc từ cấp đại sứ trở lên.

Liên quan tình hình Ukraine, một đại diện trong giới lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Dennis Pushilin ngày 17/11 tuyên bố khu vực này đang chuẩn bị những biện pháp đáp trả chính quyền Kiev sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh yêu cầu ngừng cung cấp tài chính qua Ngân hàng trung ương đối với các khu vực không thể kiểm soát.

Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời ông Pushilin cho biết Donetsk sẽ nhanh chóng cho lưu hành đồng ruble Nga tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Brisbane (Australia), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi quyết định ngừng cung cấp tài chính cho Donbass của ông Poroshenko là một sai lầm lớn. Trong khi đó tại Donbass, sắc lệnh trên của nhà lãnh đạo Ukraine được xem như một sự thừa nhận trên thực tế của Kiev đối với nền độc lập của khu vực này.

Cùng ngày, Hội đồng châu Âu quyết định khởi động sứ mệnh tư vấn của Liên minh châu Âu (EU) về cải cách an ninh dân sự (EUAM) tại Ukraine với thời hạn ban đầu là 2 năm.

Sứ mệnh nói trên sẽ hỗ trợ Ukraine triển khai chiến lược cải cách, khung kế hoạch hóa các sự kiện. Ngoài ra, sứ mệnh của EU cũng liên quan đến việc tuân thủ quyền con người, chống tham nhũng, thiết lập sự phối hợp với những sáng kiến khác của EU, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Sứ mệnh của EU sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.