Nga-Ukraine thống nhất lại kế hoạch giao nhận hàng cứu trợ

Nga và Ukraine thống nhất lại kế hoạch giao nhận hàng cứu trợ

Nga đã nhận được công hàm của Ukraine thống nhất lại về việc sẵn sàng nhận cũng như các chi tiết giao nhận đoàn xe chở hàng cứu trợ cho miền Đông Ukraine.
Nga và Ukraine thống nhất lại kế hoạch giao nhận hàng cứu trợ ảnh 1Đoàn xe viện trợ nhân đạo của Nga trên đường vào biên giới Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Nga Sergay Lavrov ngày 12/8 cho biết Nga đã nhận được công hàm của Ukraine thống nhất lại về việc sẵn sàng nhận cũng như các chi tiết giao nhận đoàn xe chở hàng cứu trợ cho miền Đông Ukraine. Theo đó, Moskva đồng ý với tất cả các thay đổi mà Kiev đưa ra.

Theo các thay đổi trên, phía Ukraine sẽ nhận chuyến hàng cứu trợ gồm 287 xe của Nga, nhưng tại biên giới giữa hai nước, đoàn xe sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) bảo trợ và được gắn biển số Ukraine thay vì chuyển hàng sang xe khác như Kiev yêu cầu trước đó.

Cửa khẩu để đoàn xe cứu trợ của Nga vào lãnh thổ Ukraine cũng được chính quyền Kiev quyết định là trạm biên phòng "Shebekino-Plenevka," thuộc tỉnh Kharkov.

Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng chính quyền Ukraine đã đồng ý đảm bảo an toàn cho cả đoàn xe khi di chuyển trên lãnh thổ Ukraine, và hy vọng các tay súng ở miền Đông Ukraine cũng sẽ hành động tương ứng.

Cùng ngày, ông Lavrov cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier và đề nghị Đức hỗ trợ việc thực hiện cứu trợ nhân đạo tại miền Đông Ukraine.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin sẽ chỉ tham gia gián tiếp vào kế hoạch chuyển hàng cứu trợ cho người dân ở miền Đông Ukraine.

Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói Berlin sẽ tham gia cứu trợ nhân đạo trị giá 3,5 triệu euro cho người dân ở Donetsk và Lugansk thông qua Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế cũng như các tổ chức hỗ trợ của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.