Nga xoay trục và hướng Đông mạnh mẽ tới đâu?

Với việc tham dự các cuộc gặp cấp cao ASEAN-Nga và thượng đỉnh Đông Á, Putin đã thành công trong việc đánh tiếng với các đối tác Đông Nam Á về ý định mở rộng chiến lược xoay trục và hướng Đông.
Nga xoay trục và hướng Đông mạnh mẽ tới đâu? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng eurasiareview.com, chuyến thăm Singapore cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua, và nhất là việc ông tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng về phía Đông.

Cho đến nay, chiến lược xoay trục của Nga chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.

Chuyến đi của Tổng thống Putin diễn ra ở thời điểm Nga và Singapore “kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao” và theo Bộ Ngoại giao Singapore, đây là sự kiện tái khẳng định tình bằng hữu bền lâu và to lớn giữa hai nước.

Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Singapore Halimah Yacob và gặp mặt Thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Putin và ông Halimah đã cùng chủ trì lễ động thổ dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Nga (RCC) nơi sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga, tạo điều kiện cho các buổi giao lưu biểu diễn, triển lãm cũng như các sự kiện về khoa học và công nghệ.

Hơn thế nữa, bên lề chuyến thăm Singapore, hai bên cũng đã ký 4 thỏa thuận song phương. Chuyến công du Singapore của Tổng thống Putin diễn ra 9 năm sau chuyến đi của Tổng thống Dmitry Medvedev vào năm 2009, và sau hơn 2 năm Thủ tướng Lý Hiển Long tới Nga (năm 2016).

Quan hệ thương mại song phương Nga-Singapore trong giai đoạn từ 2007-2017 đã tăng từ 1,9 tỷ USD lên 7,4 tỷ USD.

Tính tới năm 2017, đã có 690 doanh nghiệp Nga hoạt động tại Singapore, trong khi Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của quốc gia-thành phố này. Các công ty của Singapore cũng hoạt động rất tích cực tại Moskva, Tatarstan và vùng Penza.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp nước ngoài của Singapore tại Nga đã đạt 420 triệu USD vào cuối năm 2015, và hiện có khoảng 20 doanh nghiệp Singapore đang làm ăn tại Nga, trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và thương mại.

Thực tế việc Singapore và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga dẫn đầu đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) cũng khiến chuyến công du của Tổng thống Putin có nhiều ý nghĩa hơn.

[Nga chủ động mở rộng dần ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á?]

Chuyến đi đầu tiên tới đảo quốc Sư tử của nhà lãnh đạo Nga được kỳ vọng sẽ tạo động lực đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới, khích lệ nhiều doanh nghiệp quốc doanh của Nga đang tìm cách mở rộng sự hiện diện tại Singapore và khu vực, vốn mong muốn thông qua Singapore để củng cố mục tiêu này.

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Putin trong chuyến đi lần này là tiếp tục khẳng định những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga chỉ là vô ích. Với việc tham dự các cuộc gặp cấp cao của ASEAN-Nga và thượng đỉnh Đông Á, Putin đã thành công trong việc đánh tiếng với các đối tác Đông Nam Á của Moskva về ý định mở rộng chiến lược xoay trục và hướng Đông của mình.

Qua các sự kiện quan trọng này, ông đã tìm cách trấn an các đối tác ở Đông Nam Á, và nhất là ASEAN rằng thứ nhất, Nga hoàn toàn nghiêm túc với việc củng cố quan hệ; thứ hai, Nga là một cường quốc mà họ có thể dựa vào, sức mạnh của Nga là điều không thể phủ nhận; và cuối cùng ông muốn thể hiện với Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đang đối đầu trong khu vực, rằng họ cần phải chấp nhận thực tế là Nga đang ngày càng chủ động hơn và sẽ tích cực gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Kinh tế cũng là một trong những mục tiêu của chuyến đi lần này. Nhiều quốc gia trong EAS (khối ASEAN 10 thành viên cùng các đối tác đối thoại như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ) hiện đang là các đối tác kinh tế quan trọng hoặc ngày càng có vai trò lớn đối với Nga.

Việc Nga ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa nhất định đối với ASEAN.

Một mặt, ASEAN cần hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ của Nga trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nhiều phương diện khác của khu vực. Hai bên sẽ có nhiều lợi ích nếu mối quan hệ song phương được cải thiện hơn nữa.

Không chỉ vậy, khu vực không nên tiếp tục bị sa lầy trong những căng thẳng kinh tế, chiến lược và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như trở thành nạn nhân cũng như mâu thuẫn trong các vấn đề này. Đây là một mong muốn không dễ thực hiện song là điều đáng để hướng tới.

Mặt khác, ASEAN cần nhận thức rõ sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực sẽ càng gia tăng nếu chuyến công du của Tổng thống Putin mở đường cho việc Nga tăng cường ảnh hưởng và chủ động hơn trong khu vực. Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ không hoan nghênh bất kỳ “cuộc cạnh tranh” nào trên phương diện này.

Tuy nhiên, ASEAN cần nhận thức thực tế là khó có khả năng Nga sẵn lòng đầu tư những nguồn lực cần thiết để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Nga sẽ tiếp tục hành động một cách thực dụng như trong mối quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên bởi những mối quan hệ này thực tế vẫn được Nga coi trọng hơn so với mối quan hệ với ASEAN xét trên khía cạnh kinh tế, chính trị và chiến lược./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.