Nga yêu cầu làm rõ sự cố rò rỉ khí đốt của tuyến Dòng chảy phương Bắc

Nga chịu thiệt hại từ tình trạng rò rỉ bởi trong khi giá khí đốt đắt đỏ thì xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt và 50% lượng khí rò rỉ này vốn đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.
Nga yêu cầu làm rõ sự cố rò rỉ khí đốt của tuyến Dòng chảy phương Bắc ảnh 1Rò rỉ khí đốt trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 ở ngoài khơi Bornholm, phía nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva kêu gọi đối thoại và phối hợp để làm rõ vụ rò rỉ khí đốt trên 2 tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc và có phương án khắc phục hậu quả sự cố này.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, ông Peskov cho rằng tình huống khẩn cấp này đòi hỏi sự hợp tác nhanh chóng của các bên để tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt, đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng tuyên bố cáo buộc cho rằng Nga đứng sau vụ tấn công vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc là "vô lý" và "ngu ngốc."

[EU tăng cường an ninh năng lượng sau sự cố rò rỉ Dòng chảy phương Bắc]

Theo ông Peskov, Nga chịu thiệt hại từ tình trạng khẩn cấp này bởi trong khi giá khí đốt đắt đỏ thì xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt và 50% lượng khí rò rỉ này vốn đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.

Cả hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu. Mỗi tuyến của đường ống bao gồm khoảng 100.000 ống thép nhồi bê tông nặng 24 tấn được đặt dưới đáy biển. Các đường ống dẫn khí có đường kính bên trong là 1.153m.

Nord Stream AG, công ty vận hành các tuyến đường ống dẫn khí đốt trên, đã xác nhận xảy ra tình trạng giảm áp suất đột ngột ở các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2.

Ngay sau khi hai đường ống dẫn khí trên gặp sự cố, các nước châu Âu đã tiến hành điều tra nguyên nhân trong bối cảnh lo ngại khả năng đây là kết quả của hành động phá hoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.