Số liệu từ các ngân hàng cho thấy, tính đến giữa tháng 7/2019, có khoảng một nửa số ngân hàng đang niêm yết lãi suất ở mức trên 8%/năm, trong đó chủ yếu là các ngân hàng vừa và nhỏ.
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa thông báo áp dụng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn chín tháng thay vì mức 6,9-7%/năm như trước đó. Với sự điều chỉnh này, SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn này.
Theo Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh khởi sắc trong các tháng cuối năm.
Mức lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 8,7%/năm đối với các khoản gửi tiết kiệm online tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) kỳ hạn 36 tháng. Trong khi các khoản gửi thông thường tại quầy cùng kỳ hạn của ngân hàng này chỉ được hưởng lãi suất 7,9%/năm.
Cũng không kém phần hấp dẫn khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) thông báo mức lãi suất 8,6%/năm dành cho số tiền gửi lần lượt từ 100 và 500 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank), lãi suất 8,6%/năm áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi thông thường từ 24 tháng trở lên.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã niêm yết biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức lãi cao nhất lên đến 8,4%/năm cho sản phẩm tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng theo cả hình thức gửi online hoặc gửi tại quầy.
So với thời điểm đầu tháng Sáu, lãi suất tiết kiệm thông thường tại VPBank cũng đã được điều chỉnh tăng thêm tới 0,4%/năm tại nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 và 9 tháng với mức tiền gửi dưới 300 triệu đồng hiện được VPBank áp dụng từ 7-7,1%/năm thay vì mức cũ là 6,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,3%/năm lên mức 7,25%/năm. Với các khoản tiền gửi lớn hơn, lãi suất các kỳ hạn cao hơn mức trên từ 0,1-0,3%/năm, cao nhất là 8%/năm.
Biểu lãi suất mới của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiệu lực từ 5/7/2019 cũng ghi nhận lãi suất cao nhất 8,4%/năm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Ở sản phẩm "Gửi vốn mới, tới nhận quà," khách hàng gửi kỳ hạn 15 tháng, tiền gửi từ 200 triệu có thể nhận lãi suất 8,3%/năm thay vì 8,1%/năm như trước đó.
Nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng từ 8% lên 8,3%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 15 tháng từ 7-7,3%/năm lên 7,6-7,8%/năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) tăng lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng thêm 0,3%/năm lên 7,3%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng từ 7,2%/năm lên 7,5%/năm...
[6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 11.000 tỷ đồng]
Nhìn lại nhóm các ngân hàng lớn "Big 4" bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), dù BIDV đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất từ 9/7/2019 thêm 0,1%/năm với kỳ hạn 12 tháng lên mức 7%/năm thì lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này vẫn chỉ loanh quanh ở mức 6,8-7%/năm, thấp nhất trong hệ thống.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động ở mức cao được cho là do áp lực đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 40% từ đầu năm và tăng vốn cấp hai (vốn bổ sung của ngân hàng bên cạnh vốn cấp một là vốn chủ sở hữu của ngân hàng), dần đáp ứng chuẩn Basel 2.
Theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính), lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định nhưng đang có xu hướng tăng lên do Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải huy động vốn dài hạn với mức lãi suất cao hơn, để hấp dẫn nguồn tiền rảnh rỗi.
"Dù hiện tại, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức từ thế giới nên Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp quản lý, ổn định để đảm bảo mặt bằng lãi suất luôn hợp lý," tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nhận định.
Bên cạnh các mức tăng hấp dẫn, lãi suất đầu vào tại một số kỳ hạn cũng đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ như TPBank, lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm từ 7,9% xuống 7,8%/năm; VIB giảm lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng từ 8,4-8,19% đối với số tiền gửi lớn từ 500 tỷ đồng.
Lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ở kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy là 6,7% áp dụng cho khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng, giảm 0,2%/năm so với trước đó. Tương tự, kỳ hạn ba năm cũng giảm 0,1-0,2%/năm, hiện niêm yết ở mức 6,5-6,6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, khoản tiền trên 3 tỷ đồng được hưởng lãi suất từ 6,7-6,9%/năm.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tính đến đầu tháng Bảy, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm./.