Ngày 7/2, Ngân hàng Commonwealth lớn nhất Australia đã thông báo dành riêng khoản tiền lên tới 375 triệu AUD (296 triệu USD) để chi trả những khoản tiền phạt sắp tới có thể phải nhận từ vụ bê bối rửa tiền mà ngân hàng này đang vướng phải.
Ngân hàng Commonwealth cũng đã dự phòng khoảng 200 triệu AUD để chi trả cho một loạt chi phí bồi thường và đền bù mà ngân hàng có thể phải đối mặt khi Chính phủ Australia đang mở cuộc điều tra đối với ngân hàng này.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, tính đến hết ngày 31/12, lợi nhuận ròng của Ngân hàng Commonwealth đã giảm 0,7% xuống còn khoảng 4,87 tỉ AUD so với cùng thời điểm năm 2016.
[Ngân hàng lớn nhất Australia thừa nhận vi phạm luật chống rửa tiền]
Hiện Ngân hàng Commonwealth đang bị đặt trong sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Tình báo Tài chính của Chính phủ Australia (AUSTRAC) với lý do ngân hàng đã có những vi phạm "nghiêm trọng và có hệ thống" liên quan đến luật chống rửa tiền với hàng nghìn giao dịch trái phép.
Tháng 12/2017, Ngân hàng Commonwealth thừa nhận hơn 50.000 giao dịch vi phạm có "liên quan đến hệ thống" nhưng ngân hàng thông báo sẽ có biện pháp để ngăn ngừa các sai sót tương tự.
Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) cho rằng Ngân hàng Commonwealth có "cách thức quản lý không đảm bảo và thao túng thị trường" khi áp dụng tỷ giá tham khảo (BBSW) vào năm 2012.
Ba ngân hàng lớn khác của Australia, bao gồm ANZ, Westpac và Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cũng bị ASIC theo dõi sát sao sau những cáo buộc thao túng tỷ giá hối đoái.
ANZ và NAB đã giải quyết xong các vụ kiện do chấp nhận bồi thường trước khi các phiên tòa được mở tháng 10 năm ngoái. Trong khi, vụ kiện Westpac vẫn đang được xem xét tại các tòa án.
Một loạt bê bối trên đang khiến ngành tài chính Australia rơi vào khủng hoảng và buộc chính quyền Canberra phải tăng cường kiểm soát đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng./.