Ngày 27/10, nhiều ngân hàng lớn đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, tăng mạnh từ 0,8-1,4%/năm so với trước.
Lãi suất huy động cao nhất niêm yết tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đều tăng từ mức 6,4%/năm lên mức 7,4%/năm.
Lãi suất này áp dụng cho các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, khách hàng của BIDV và VietinBank khi gửi tiền trực tuyến còn được cộng lãi suất thêm từ 0,4-0,5%/năm so với lãi suất tiền gửi tại quầy, nên mức lãi suất huy động cao nhất mà khách hàng được hưởng có thể lên khoảng 8%/năm.
Không chỉ điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất các kỳ hạn khác tại 3 ngân hàng này cũng đã tăng mạnh.
Cụ thể, với tiền gửi không kỳ hạn, Agribank tăng lãi suất từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm trong khi VietinBank và BIDV tiếp tục duy trì ở mức cũ là 0,1%/năm.
[Lãi suất huy động không ngừng tăng: Đầu tư vào đâu để có hiệu quả?]
Lãi suất kỳ hạn từ 1-2 tháng tại 3 ngân hàng trên đều tăng 0,8%/năm lên 4,9%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng tăng 1%/năm lên 5,4%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, BIDV niêm yết lãi suất 6%/năm và 9 tháng là 6,1%/năm, thay vì mức 4,7%/năm và 4,8%/năm trước đó.
Còn tại VietinBank, kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng lãi suất đồng loạt áp dụng là 6%/năm, tăng 1,3%/năm so với trước. Tương tự tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng cũng tăng 1,3%/năm lên mức 6,1%/năm.
Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 của các ngân hàng này trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Lần gần đây nhất là ngày 28/9 với biên độ điều chỉnh tăng từ 0,8-1,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Như vậy, trong nhóm 4 ngân hàng lớn chỉ còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn giữ nguyên biểu lãi suất cũ với mức huy động cao nhất là 6,4%/năm đối với gửi tại quầy và 6,8%/năm khi gửi trực tuyến, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank đang áp dụng mức 0,1%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng là 4,1-4,4%/năm; từ 6 đến 9 tháng từ 4,7-4,8%/năm.
Trước đó, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã có các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Trong đó quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Sau quyết định này, ngay trong ngày 25 và 26/10, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất lên kịch trần 6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB)... Mức tăng này cao hơn biểu lãi suất cũ từ 1-1,5%/năm.
Không chỉ với kỳ hạn ngắn mà mức tăng tương tự cũng được các ngân hàng điều chỉnh cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Phần lớn các ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng trên mức 7%/năm. Thậm chí Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) còn huy động đến hơn 8%/năm với cùng kỳ hạn.
Lãi suất huy động cao nhất hệ thống đang thuộc về SCB với lãi suất niêm yết là 9,3%/năm cho tiền gửi trực tuyến, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Tuy vậy, đây chỉ là bảng lãi suất niêm yết còn trên thực tế, lãi suất có thể có sự khác biệt tại mỗi chi nhánh.
Lãi suất huy động đã liên tục thiết lập mặt bằng mới trong vòng 1 tháng qua, trung bình tăng từ 1-2%/năm so với trước. Theo giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng nhằm hút tiền về, giảm áp lực lên thanh khoản phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.
Thực tế này sẽ giúp người gửi tiền hưởng lợi nhưng lại tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất cho vay tăng sẽ khiến người dân và doanh nghiệp phải tính toán cẩn trọng hơn đến dòng tiền vay từ ngân hàng và có thể cũng sẽ vay ít hơn nhằm giảm chi phí đầu vào.
Như vậy, lượng tiền đổ vào lưu thông giảm, tăng trưởng chậm lại, lạm phát có thể giữ ở mức thấp. Nhưng ngược lại, lãi suất cho vay tăng lên cũng khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng./.