Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75%

Tăng trưởng tín dụng đồng đều ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực có khó khăn nhiều (vận tải, du lịch, khách sạn…) cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% ảnh 1Tăng trưởng tín dụng được tập trung đều vào các lĩnh vực. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2% sáng 27/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 27/5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Con số này tăng cao hơn gấp 2 lần so với cùng thời điểm 2021.

Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng tín dụng đồng đều ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực có khó khăn nhiều (vận tải, du lịch, khách sạn…) cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung; tín dụng lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ tăng trưởng 7,6%.

[Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng]

Dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

“Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tạo hiệu ứng tích cực hơn cho việc tăng trưởng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, việc triển khai chính sách này cũng đặt thêm trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong đảm bảo nguồn cung ứng vốn,” Phó thống đốc khẳng định.

Một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)... Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn hai năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục