Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) cho rằng dòng vốn và khả năng phục hồi kinh tế đã đưa thị trường tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào trạng thái tương đối ổn định.
Báo cáo của QNB nêu bật khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn trong ASEAN, gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, trước những thay đổi đột ngột trong tâm lý rủi ro và dòng vốn.
Báo cáo phân tích của QNB tập trung vào việc đánh giá tính dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài của các nền kinh tế ASEAN cũng như xem xét nhu cầu dòng vốn bên ngoài và các mức dự trữ ngoại hối chính thức của các nền kinh tế này.
QNB lưu ý rằng dự trữ ngoại hối mạnh đóng vai trò như một lớp đệm quan trọng để hấp thụ các cú sốc bên ngoài, cho rằng nguồn dự trữ này cần được đánh giá dựa trên các yêu cầu về dòng vốn bên ngoài ngắn hạn cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Thái Lan được cho vẫn duy trì khả năng đối phó tốt trước những thay đổi đột ngột của dòng vốn, ngay cả khi lượng du khách quốc tế đến nước này vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch COVID-19.
Thái Lan tiếp tục ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn, giúp dự trữ ngoại hối chính thức của nước này đạt 221 tỷ USD.
Malaysia, nước sản xuất hàng hóa lớn, cũng có khả năng phục hồi tốt. Nước này liên tục ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai nhờ xuất khẩu ròng dầu mỏ và các hàng hóa khác. Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Malaysia hiện vào khoảng 113 tỷ USD.
Trong khi đó, với tư cách là nước vay ròng từ bên ngoài, Philippines đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau do thâm hụt tài khoản vãng lai.
Thâm hụt thương mại của nước này, được bù đắp một phần bởi kiều hối, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, Philippines hiện nắm giữ 103 tỷ USD dự trữ ngoại hối chính thức. Điều này tạo ra lớp đệm đáng kể trước những cú sốc bên ngoài.
Indonesia, theo truyền thống là quốc gia chịu nhiều cú sốc bên ngoài nhất trong số các nền kinh tế lớn của ASEAN, đã quay trở lại tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai sau một thời gian thặng dư ngắn nhờ sự bùng nổ hàng hóa.
Indonesia dự kiến sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai khoảng 1% GDP trong năm 2024, với tình trạng thâm hụt có thể sẽ tiếp diễn do các dự án chi tiêu vốn hiện nay. Dự trữ ngoại hối chính thức của Indonesia hiện ở mức 136 tỷ USD./.
Việt Nam nằm trong top 6 nước ASEAN có GDP tăng trưởng tốt
Maybank cho biết sáu quốc gia thành viên ASEAN - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, ước đạt 4,5- 4,7% vào năm 2024 và 2025, từ mức 4,0% của năm 2023.