Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để tái cấu trúc hoạt động, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều doanh nghiệp.
Vẫn là nút thắt khó giải
Theo ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song ngành gỗ trên địa bàn vẫn tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng khoảng 10% trong 9 tháng 2020.
Để giữ được tốc độ tăng trưởng này, các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ hiện đang rất cần thêm vốn để đầu tư công nghệ, mua nguyên vật liệu...
Tuy nhiên, khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp hoặc có dự án khả thi.
[Chuyển đổi số - giải pháp cho doanh nghiệp thời COVID-19]
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho hay việc các doanh nghiệp tiếp cận, gặp ngân hàng là rất dễ dàng, song lấy được vốn thì không đơn giản. Thậm chí, có thể nói, lấy vốn từ ngân hàng thực sự rất khó khăn.
Đặc biệt, đối với phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản thế chấp và không quen làm phương án kinh doanh chi tiết thì sẽ rất khó vay vốn từ ngân hàng. Vấn đề này không chỉ xảy ra sau khi dịch COVID-19 bùng phát mà đã tồn tại từ lâu nay.
Theo điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn.
Đồng thời, vẫn còn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế.
Các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý, doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.
Cũng theo điều tra PCI trong nhiều năm qua, gần 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.” Điều này có nghĩa là, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, nguồn vay của họ cũng rất “ngắn hạn”, chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn.
Thực tế ghi nhận tại các hội nghị, hội thảo liên quan đến chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hay chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng tổ chức từ trước đến nay, các doanh nghiệp đều cho biết rất khó vay vốn từ ngân hàng nếu không có tài sản đảm bảo. Và trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vấn đề này lại càng trở nên nan giải hơn.
Cái khó của ngân hàng
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, khi dịch COVID-19 bùng phát và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp, ngành ngân hàng ngay lập tức đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng lãi suất, cơ chế, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay... Đã có rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ này.
Hiện nay, để đồng hành cùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các ngân hàng đang có hàng loạt chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp.
Tuy vậy, ông Minh cũng thừa nhận có một vấn đề ngành ngân hàng đã nhận được rất nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp, các hội ngành nghề nhưng không thể thực hiện, đó là nới lỏng điều kiện cho vay. Bởi lẽ, nếu nới lỏng không khéo thì nợ xấu sẽ có nguy cơ phát sinh. Điều này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế.
Để tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải có đảm bảo các điều kiện như có phương án sản xuất khả thi, minh bạch tài chính và có tài sản đảm bảo.
Đối với các doanh nghiệp vừa và lớn, tài sản đảm bảo có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như bất động sản, dây chuyền sản xuất, các khoản phải thu trong tương lai thông qua nghiệp vụ bao thanh toán, tài sản hình thành trong tương lai...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không có những tài sản này. "Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cơ chế yêu cầu các doanh nghiệp cho ngân hàng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp công khai, minh bạch dòng tiền thì ngân hàng mới có cơ sở cho vay, đảm bảo phương án thu hồi nợ cho ngân hàng. Trường hợp ngân hàng không làm đúng quy định này sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt thông qua các cuộc thanh tra, giám sát của ngành,” ông Minh cho biết.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), cho rằng các ngân hàng không chỉ là đơn vị kinh doanh, có cổ đông giám sát mà còn gánh trên vai trách nhiệm pháp lý nặng nề. Do vậy, để tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh tốt để ngân hàng "bớt mang tiếng" là đòi tài sản bảo đảm.
Theo ông Phương, việc doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin về tài chính, chất lượng quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực... là những yếu tố để ngân hàng xem xét cho vay, bên cạnh tài sản bảo đảm.
Khi minh bạch về tài chính, doanh nghiệp có thể tốn chi phí hơn nhưng đổi lại sẽ tiếp cận được nguồn vốn không chỉ từ ngân hàng, mà có thể từ các quỹ đầu tư, thị trường vốn...
Để giải quyết nút thắt hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3-3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh tiếp cận.
Đây là khoản vay tín chấp, tức doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất 3-5%/năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm.
Tuy nhiên, điều kiện vay phải là những doanh nghiệp còn có khả năng “sống sót” chứ không phải toàn bộ. Nghĩa là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu còn thực dương.
Doanh nghiệp có thể vay tối đa số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ, hay vốn chủ sở hữu hoặc tùy điều kiện khác do “tổ hợp tín dụng” quy định.
Theo vị chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý tổ hợp. Tổ hợp cũng phải có một hội đồng tín dụng duyệt xét hồ sơ vay của các doanh nghiệp.
Khi hội đồng tín dụng thuận duyệt một tín dụng thì các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp tín dụng.
Đây sẽ là chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn còn dư địa về thanh khoản song Chính phủ không còn dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa./.